Những năm tháng “bí mật” của loài rùa biển

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học đã tìm thấy manh mối về những năm tháng “bí mật” của loài Vích (còn gọi là rùa xanh) kể từ khi chúng bò ra khỏi tổ cát và biến mất trong sóng biển và chỉ xuất hiện lại vài năm sau tại bờ biển gần đó.

Trong bài viết trên tạp chí trực tuyến Lá thư Sinh học, ba nhà khoa học nghiên cứu về rùa biển của trường đại học Florida tuyên bố họ đã tìm thấy những đầu mối này bằng cách phân tích những nguyên tố hoá học ăn sâu vào mai rùa. Họ đã đưa ra kết luận: Những con rùa này đã sống 3-5 năm ở ngoài khơi xa, ăn sứa và một số sinh vật khác như những động vật ăn thịt. Sau khoảng thời gian này chúng di chuyển vào gần bờ hơn và chuyển sang ăn các loài tảo biển. Đó cũng là thời kỳ loài này được chúng ta biết đến nhiều nhất.


“Điều này đã thực sự từng gây hứng thú và đồng thời cũng làm cho các nhà nghiên cứu về rùa biển lúng túng, bởi vì vích thường bò xuống biển ngay sau khi nở và chúng ta không biết được chúng đi đâu”, Karen Bjorndal, giáo sư động vật học và là giám đốc của Trung tâm nghiên cứu rùa biển Archie Carr của Trường ĐH Florida cho biết. “ Hiện nay, mặc dù tôi không thể chỉ ra địa điểm chính xác nhưng ít nhất chúng ta đều biết môi trường sống và chế độ ăn của chúng. Điều này sẽ dẫn chúng ta tới nơi cần đến”.


Phát hiện này quan trọng không phải chỉ vì đây là phát hiện đầu tiên mà còn bởi vì chúng sẽ có ích rất nhiều trong việc bảo tồn  loài rùa, trong đó tất cả các loài rùa biển được xếp vào hàng bị đe doạ. Giáo sư Bjorndal nói thêm: “ Bạn không thể bảo vệ cái gì đó nếu bạn không biết nó ở đâu”.


Tác giả khởi đầu bài báo là Kimberly Reich, một nghiên cứu sinh ngành động vật học của Trường ĐH FloridaNghiên cứu này là một phần luận án tiến sỹ của ông. Hai đồng tác giả Bjorndal và Alan Bolten là giảng viên về động vật học và đồng giám đốc trung tâm nghiên cứu về rùa biển.


Nhà nghiên cứu rùa biển nổi tiếng Archie Carr lần đầu tiên đề cập đến “những năm bí mật” của loài Vích  trong cuốn sách của mình năm 1952 “ Sách hướng dẫn về loài rùa”. Những con rùa con mới nở bằng nửa đồng xu lăn khỏi những bờ biển nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới rồi biến mất. Sau đó, chúng lại xuất hiện lại với kích cỡ bằng chiếc đĩa to trên những thềm lục địa ở độ sâu dưới 200 mét. Chỉ một số lượng rất ít cá thể Vích với kích thước lớn hơn nửa tờ giấy bạc và nhỏ hơn chiếc đĩa được phát hiện.


Để giải đáp vấn đề này, Reich, Bjorndal và Bolten quyết định không dò tìm dưới biển mà họ đã  sử dụng kỹ thuật phân tich đồng vị ổn định. Đây là một kỹ thuật ngày càng trở nên quan trọng trong suốt hai thập kỷ qua trong nghiên cứu nguồn gốc sinh thái học.


Loài vật nào có thứ bậc càng cao trong chuỗi thức ăn, loài đó sẽ tích luỹ nhiều chất đồng vị nặng hơn. Kết quả là kỹ thuật này đo tỷ lệ chất đồng vị từ nặng đến nhẹ có thể phân biệt các mẫu sinh vật ăn cỏ và sinh vật ăn thịt và chúng nằm ở đâu trong chuỗi thức ăn.


Các nhà nghiên cứu đă bắt 44 con Vích trong suốt thời gian nghiên cứu gần Great Inagua ở Bahamas. Mẫu thí nghiệm gồm 28 con đã được đánh dấu thời gian trước đó cho thấy chúng đã từng sinh sống ở khu vực này và 16 con không được đánh dâu được cho rằng là mới tới.

Họ đã cắt những mẩu nhỏ gần giữa mai rùa. Quá trình này là vô hại và được Bjorndal ví như giống việc cắt móng tay. Các nhà sinh vật học đã sử dụng một phổ kế, một thiết bị tách chất đồng vị dựa theo khối lượng để phân tích phần thức ăn lâu nhất và mới nhất từ những mẫu mai rùa.


Các phân tích đã cho thấy với những con rùa mới đến vùng đó, tỷ lệ chất đồng vị từ nhẹ đến nặng trong những mẫu mai rùa của những con cũ và những con mới “khác nhau đáng kể”. Những tỷ lệ chất đồng vị đó giống như tỷ lệ quan sát được ở loài quản đồng (một loài rùa biển) sống ở đại dương được biết đến như một động vật ăn thịt. Vì những lý do này, các nhà nghiên cứu đã kết luận loài Vích đã sống 3-5 năm đầu tiên ở vùng khơi xa.


Loài Vích làm tổ ở các bãi biển nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới. Điều này dẫn đến giả thiết là những con Vích non phân bố rộng khắp trong các đại dương trong thời kỳ ở biển của chúng . Tuy nhiên tiến sỹ Bjorndal vẫn cho rằng cần những nghiên cứu khác nữa để khẳng định điều này.


Vích là loài rùa mai cứng lớn nhất ở biển, chỉ có một lớp mai mềm che sau lưng. Chúng bị người dân địa phương khai thác để làm thức ăn. Mặc dù Vích cũng nằm trong số những động vật đẩu tiên được liệt kê trong danh sách được bảo vệ bởi Đạo luật về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng năm 1973 nhưng ngày nay Vích và trứng của chúng vẫn tiếp tục bị săn bắt hàng loạt.


Bjorndal cho biết “ Bất cứ điều gì giúp chúng ta phát hiện ra về mặt địa lý nơi loài Vích di chuyển đến cũng sẽ có ích rất nhiều trong việc bảo vệ chúng”.