Sống trên phá Tam Giang

Dân gian có câu ca: “ Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…”. Truông nhà Hồ là khu rừng dữ, từng là nơi ẩn trú của lục lâm thảo khấu trên con đường thiên lý Bắc Nam đoạn chạy ngang tỉnh Quảng Trị. Còn phá Tam Giang từ xưa vốn mang tiếng dữ bởi tộc “rợ đầm” man di sống lênh đênh trên sông nước.

Từ không gian của câu ca gợi lại trong bối cảnh vùng đất biên viễn “ô châu ác địa”, nơi tập trung các lưu dân người Việt mở cõi vào Nam một thời, dường như người dân sống ven phá ngày xưa thưa thớt lắm…

Phá Tam Giang chạy dài từ cửa sông Ô Lâu đến hạ lưu sông Hương đoạn cửa biển Thuận An, dài khoảng 20km, rộng 400-2.500m, nằm cách trở vùng cát ven biển thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Hương Trà với vùng đồng bằng phía bắc của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Với đặc điểm nước lợ – nơi hòa trộn của nước sông và nước biển, có độ mặn tương đối ổn định, lại rộng lớn, phá Tam Giang tạo nên một tiểu vùng sinh thái đặc trưng.

Hệ động vật sống trong lòng nó thật phong phú và độc đáo, không quá “lành” như tôm cá nước sông, cũng không quá “dữ” như một số loài hải sản thường gây dị ứng… Nhiều loài tôm cá Tam Giang trở thành đặc sản ngon nổi tiếng như: cá dìa, cá ong bầu, cá hanh, lệch huyết, lệch mỡ… Người dân vùng Tam Giang theo đó cứ có thói quen hễ chèo ghe ra phá là có được cái ăn.

Hiện nay, dân số sống ở đầm phá Tam Giang ngày càng tăng nhanh trong khi mặt phá đang có xu hướng thu hẹp do bồi lắng và tình trạng ngăn vuông nuôi trồng thủy sản, nạn khai thác tận thu và hủy diệt môi trường… làm cho nguồn lợi thủy sản đầm phá ngày càng cạn kiệt.

Nhiều đặc sản ngày xưa “nhiều vô kể” nay biệt tăm hoàn toàn. Công cuộc mưu sinh của ngư dân đầm phá theo đó cũng đến giai đoạn không còn dễ dàng. Đây là một bộ phận dân nghèo đang được cảnh báo có xu hướng tăng nhanh ở vùng đầm phá ven biển của tỉnh Thừa Thiên – Huế…