Âu thuyền Thọ Quang ô nhiễm trầm trọng

Công trình âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) được Bộ Thủy sản đầu tư 66 tỷ đồng xây dựng, gồm các hạng mục: Khu đê bao; khu neo trú, bến cầu tàu và khu dịch vụ hậu cần cung ứng vật tư, thiết bị nghề cá. Tác dụng của âu thuyền là nơi trú bão, neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung. Thế nhưng, trên thực tế, công trình này không phát huy tác dụng bởi thiếu sự đồng bộ trong quá trình xây dựng, sự thờ ơ trong quản lý.

Mùa mưa năm nay, bà con ngư dân đang băn khoăn, lo lắng khi bão về chưa biết neo đậu tàu, thuyền ở đâu cho bảo đảm an toàn mà không ảnh hưởng tới vấn đề sức khoẻ, bởi âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Anh Huỳnh Văn Phương, Trưởng ban quản lý cho biết, tình trạng nước, không khí ô nhiễm với nồng độ cao, gây ngứa và khó thở cho người. Nguyên nhân chính do nước thải của các xí nghiệp thủy sản qua 8 cửa xả chảy vào, nước thải từ khu dân cư đổ ra, nước thải và rác từ các tàu cá neo đậu tại bến thả xuống. Trước đây, thường xuyên có từ 600 đến 800 tàu neo đậu, hiện nay con số đó giảm chỉ còn khoảng 1/3.

Tại âu thuyền, ngư dân Lê Văn Vân ở Thọ An, Thọ Quang nói: “Nước bị ô nhiễm đen đặc, chạm vào là nổi da gà, dân biển như tụi tui mà không chịu nổi”. Không riêng gì anh Vân, anh Nguyễn Văn Chiến ở tàu QB-2554 cũng phàn nàn: “Môi trường ô nhiễm quá nặng, ruồi muỗi nhiều, dịch bệnh phát triển nhanh, ngư dân trên tàu thường bị các loại bệnh như: sốt cao, viêm phổi, viêm phế quản và dị ứng khắp cơ thể. Chúng tôi đã chịu cảnh này mấy năm nay rồi, không biết đến bao giờ mới hết khổ? ”.

Về vấn đề này, trao đổi với anh Hồ Phó, Phó giám đốc Sở Thuỷ sản và Nông lâm, nhưng anh cũng chỉ lắc đầu: “Trước đây các doanh nghiệp Thủy sản của Nhà nước còn trực thuộc sở, nay đã thực hiện cổ phần hóa. Chủ yếu họ kinh doanh theo luật, do vậy việc quản lý các doanh nghiệp này hết sức khó khăn. Bây giờ chúng tôi chỉ được xử lý những xí nghiệp, doanh nghiệp nào vi phạm về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm là hàng thủy sản, hải sản. Còn vấn đề ô nhiễm môi trường thuộc phạm vi Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý. Do vậy khi nghe dân kiến nghị, hoặc chúng tôi phát hiện thấy tình hình ô nhiễm thì cũng chỉ đề xuất với trên mà thôi. Tháng nào giao ban quận, Ban quản lý âu thuyền cũng ý kiến, nhưng trao đổi, bàn bạc chán chê vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ở nước ngoài, vi phạm như rứa là phải đóng cửa doanh nghiệp. Ở nước mình chế tài xử phạt nhẹ quá. Một thực tế bất cập hiện nay là ồ ạt đầu tư, liên doanh xây dựng đủ kiểu khách sạn lớn, bé khác nhau, trong khi đó lại không chú ý thoả đáng tới việc xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường ”…

Do vậy, để khắc phục tình trạng ô nhiễm nói trên, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kết hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm định, kết luận mức độ ô nhiễm. Yêu cầu các doanh nghiệp ở cụm công nghiệp dịch vụ thuỷ sản Thọ Quang thực hiện nghiêm quy trình xử lý nước thải; tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho ngư dân không ném rác thải xuống biển, mà phải thu gom đưa lên bờ để xử lý. Thành phố Đà Nẵng sớm có kế hoạch chuyển hệ thống cống thải của các doanh nghiệp ra khỏi khu vực âu thuyền. Và điều quan trọng nhất, có tính quyết định nhất đối với “sự sống” của âu thuyền này chính là sớm xây dựng khu xử lý nước thải của các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây. Nếu không, mọi biện pháp cũng chỉ là chắp vá tạm thời và “tuổi thọ” của âu thuyền chỉ còn rất ngắn ngủi.

Bão số 5 đã đi qua, cơn bão mới đã đang lấp ló khơi xa, không ai có thể lường hết còn bao nhiêu cơn bão tiếp theo đang rình rập, tàn phá xóm làng, tàu, thuyền ven biển… Hãy cứu lấy âu thuyền Thọ Quang, vì đây một thời là địa chỉ tin cậy, là khu trú bão, neo đậu của hàng trăm tàu, thuyền ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung. Xin đừng để công trình trị giá tiền tỷ này trở thành vô nghĩa.