Bắt được cá bạch tạng cực hiếm

Sa lưới trên biển Whidbey Island, bang Washington, Mỹ, con cá ratfish có nguồn gốc từ thời tiền sử được ghi nhận là cá bạch tạng hoàn hảo đầu tiên từng phát hiện. Xác suất bắt được sinh vật hiếm hoi này chỉ vào khoảng 1/ 7 triệu.

Ít nhất thì đó cũng là nhận định của người giám sát bộ sưu tập bao gồm 7,2 triệu loài cá của trường ĐH Washington, được một chuyên gia nghiên cứu đời sống thủy sinh với 20 năm kinh nghiệm ở Puget Sound đồng tình.

“Loài cá ratfish chỉ sống ở đáy sâu có bề mặt xốp mềm, nhiều bùn đất” – Jon Reum, học viên đang theo đuổi khóa học tiến sĩ ngư nghiệp, người phát hiện ra con cá bạch tạng trong một dự án nghiên cứu của ĐH Washington cho hay. “Cá ratfish sinh sống ở vùng Puget Sound này thường có màu nâu hoặc đen, đồng thời có rất nhiều chấm trắng trên mình để “ngụy trang” trong môi trường sống”.

Trong đời sống thủy sinh, hiếm có sinh vật bạch tạng nào sống đủ lâu để có thể di truyền cho thế hệ sau loại gen đột biến có vai trò làm hỏng quá trình sản sinh sắc tố da. Chính vì thế cũng khá bất ngờ khi theo ước lượng của Reum, “chị” cá bạch tạng dài 30 cm này đã 2-3 năm tuổi – so với tuổi đời trung bình của cá ratfish thì có nghĩa đang vào tuổi “thanh xuân”.

Sau khi tóm được con cá, các nhà nghiên cứu ngay lập tức thả nó vào xô nước, đậy ván lên trên, ấy thế mà suốt đêm nó cứ nhảy tanh tách như muốn bung ra ngoài. Tới đây con cá hiếm hoi này sẽ được bổ sung vào Bộ sưu tập cá của trường ĐH Washington.

Ratfish, có tên khoa học là Chimaera, được phát hiện lần đầu tiên ở vùng biển phía nam của Brazil vào năm 2001.

Với chiều dài 30-40cm, ratfish sở hữu bộ xương sụn lớn giống như cá mập và cá đuối, vây 2 bên giống như cánh chim, dây thần kinh lộ rõ hai bên mình để giúp định hướng trong những vùng nước sâu và tối. Theo suy đoán của các nhà khoa học, rất có thể loài cá có nguồn gốc tiền sử này đã sống cùng thời với khủng long bạo chúa, tức là cách đây khoảng 180 triệu năm.