Ngăn chặn tình trạng phá rừng phòng hộ Phú Ninh

Trước tình trạng rừng phòng hộ (RPH) Phú Ninh bị xâm hại nghiêm trọng, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai một số giải pháp nóng và bước đầu đem lại kết quả khả quan trong việc lập lại trật tự bảo vệ RPH. Tuy nhiên, về lâu dài, nhằm ngăn chặn tình trạng phá RPH, không chỉ có các giải pháp tình thế, mà cần có các giải pháp cơ bản mang tính bền vững…

Rừng phòng hộ Phú Ninh có tổng diện tích 23.615 ha, nằm trên địa bàn các huyện Phú Ninh, Núi Thành và thành phố Tam Kỳ. Lưu vực RPH có địa hình tự nhiên phức tạp, bị chia cắt. Ðặc điểm của RPH Phú Ninh là có hồ mới quy hoạch rừng phòng hộ (hồ Phú Ninh được xây dựng những năm sau giải phóng), rừng và khu dân cư xen kẽ; đời sống của người dân ven RPH còn nhiều khó khăn, thiếu việc làm; rừng tự nhiên ít, rừng trồng nhiều. Do rừng trồng được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau vì vậy cơ cấu cây trồng cũng đa dạng, phức tạp.


Trong lưu vực RPH Phú Ninh, riêng trên đất thuộc huyện Phú Ninh có đến 50% diện tích trồng keo và bạch đàn đã đến tuổi khai thác. Về danh nghĩa RPH thuộc Ban quản lý RPH Phú Ninh nhưng trên thực tế thì không ít diện tích rừng và cây rừng hiện tại có nhiều chủ như Xí nghiệp Lâm đặc sản Tam Kỳ, Lữ đoàn Công binh 270, BQL RPH Phú Ninh…


Mặt khác, các cơ sở chế biến lâm sản rừng (được cấp giấy phép) quá nhiều. Riêng ở huyện Phú Ninh có đến 27 cơ sở xẻ gỗ (chưa tính  số cơ sở ở Núi Thành và Tam Kỳ). Bên cạnh đó, một phần lớn diện tích đất lâm nghiệp trong lưu vực RPH bị một số hộ dân ở các xã Tam Ðại, Tam Lãnh, Tam Dân lấn chiếm để trồng rừng…


Có thể nói những đặc điểm nêu trên chi phối rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ RPH Phú Ninh. Trong bối cảnh đó tình trạng phá rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn lưu vực RPH Phú Ninh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt nổi lên ở thời gian gần đây.


Theo báo cáo của BQL RPH Phú Ninh, trong bảy tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm Phú Ninh phối hợp các lực lượng khác tổ chức kiểm tra, truy quét phát hiện 193 vụ vi phạm; tịch thu hơn 244 m3 gỗ tròn; gần 12 m3 gỗ xẻ các loại; thu giữ tám xe ô-tô, công nông; 150 xe máy, xe đạp; 11 xe bò, tám thuyền máy, thuyền nan; xử phạt hành chính 108 triệu đồng (năm 2006 là 241 vụ, thu giữ hơn 300 m3 gỗ các loại). Các vụ vi phạm thường xảy ra vào ban đêm.


Ðối tượng chủ yếu là thanh niên, phụ nữ, học sinh các xã ven RPH; phương thức hoạt động rất tinh vi, táo bạo; lợi dụng địa bàn rộng, lực lượng kiểm lâm mỏng, đêm tối lén vào rừng phòng hộ khai thác trái phép rồi dùng thuyền nan, xuồng máy vận chuyển gỗ qua hồ và dùng xe đạp, xe máy chở đến bán cho các cơ sở cưa xẻ gỗ khu vực chung quanh hồ thuộc các xã Tam Ðại, Tam Ngọc, Tam Dân, v.v.


Ở các bến Long Sơn, Tam Dân, Ðập Chính có khoảng từ 20 đến 30 thuyền nan tập kết tại đây, ban đêm các đối tượng vào hồ đánh cá; nếu vắng kiểm lâm là họ vào rừng chặt gỗ vận chuyển vào bờ tiêu thụ… Mặc dù lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp địa phương tổ chức tuyên truyền kết hợp kiểm tra, phát hiện ngăn chặn nhưng không đạt hiệu quả.


Theo một số đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm ở tỉnh Quảng Nam, thì nguyên nhân chính gây nên tình trạng phá RPH là do các cấp, các ngành chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ (có lúc còn thiếu đồng thuận) giữa các địa phương, ngành, lực lượng liên quan; còn thiếu kiên quyết trong quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và xử lý người vi phạm. RPH trải dài trên nhiều địa bàn.


Lực lượng kiểm lâm  mỏng, phương tiện hoạt động hạn chế. Mặt khác, đời sống của người dân vùng ven RPH còn nhiều khó khăn, công tác giao đất, giao rừng (GÐGR) đối với những diện tích rừng giáp địa bàn dân cư cho các tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng chưa được coi trọng…


Ðể lập lại trật tự, kỷ cương, bảo vệ tốt diện tích rừng tại khu vực RPH Phú Ninh, cuối tháng 08/2007, UBND tỉnh Quảng Nam ra Chỉ thị 39 yêu cầu các địa phương, các ngành, lực lượng liên quan triển khai thực hiện đồng bộ một số biện pháp cấp bách:


Trước hết, tạm thời đình chỉ hoạt động của tất cả các cơ sở cưa xẻ, chế biến gỗ tại lưu vực hồ Phú Ninh (đồng thời ngừng cung cấp điện đối với các hợp đồng đã ký với các cơ sở này).


Thứ hai, tạm dừng việc cấp giấy phép và các hoạt động liên quan khai thác gỗ đối với các đơn vị, tổ chức, gia đình trong khu vực rừng Phú Ninh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh, UBND  thành phố Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Núi Thành tiến hành kiểm tra lại tất cả các giấy phép khai thác đã cấp, xác định rõ số lượng đã khai thác theo giấy phép và lập biên bản cụ thể (gỗ tròn, gỗ xẻ, hộp, cây, lóng) làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm; tổ chức giải tỏa ngay các lán trại, chuồng trại và công trình xây dựng trái phép trong khu vực RPH.


Thứ ba, kiểm tra tất cả các phương tiện lưu thông trong khu vực hồ Phú Ninh; nghiêm cấm sử dụng, tịch thu và tiêu hủy các thuyền nan đi lại hoặc che giấu trong lòng hồ và các phương tiện khác (ô-tô, mô-tô, xe đạp) tham gia vận chuyển gỗ trái phép; xây dựng phương án phối hợp các lực lượng cùng địa phương tổ chức truy quét và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép gỗ trong khu vực RPH; phối hợp các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân trên địa bàn RPH nhận thức và ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý rừng…


Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh việc thực hiện các giải pháp của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Tấn Ðức, cho biết: Sau nửa tháng ra quân (từ 24/08) thực hiện quyết liệt các giải pháp nóng theo chỉ thị của tỉnh, các lực lượng chức năng huyện đã kiểm tra, phát hiện 15 vụ vi phạm, tịch thu 63 thuyền nan, một ghe máy, hàng chục xe đạp, xe máy, hai ô-tô, hơn 36 m3 gỗ rừng trồng, đình chỉ hoạt động ba xưởng cưa xẻ gỗ… Nhìn chung đến thời điểm này, về cơ bản đã lập lại được trật tự trong bảo vệ RPH Phú Ninh; không còn những vụ phá rừng công khai, quy mô.


Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát vẫn còn tiềm ẩn. Trước tình hình đó, UBND huyện một mặt chỉ đạo các lực lượng liên quan trên địa bàn tiếp tục duy trì các “giải pháp nóng”. Mặt khác, huyện kiến nghị tỉnh về một số giải pháp mang tính lâu dài trong quản lý bảo vệ RPH Phú Ninh theo hướng “xã hội hóa” gắn trách nhiệm và lợi ích của người dân trên địa bàn với rừng…


Chúng ta biết, lợi nhuận thu được từ khai thác trái phép gỗ và lâm sản là rất lớn. Do đó tình trạng chặt phá rừng nói chung ở nhiều nơi luôn là mối hiểm họa tiềm ẩn, chỉ cần có cơ hội là bùng phát. Bởi vậy, việc sử dụng các biện pháp nóng mang tính tình thế là cần thiết cho việc lập lại trật tự trong bảo vệ rừng. Nhưng về lâu dài cần được thay thế bằng các giải pháp mang tính cơ bản, bền vững.


Vậy với Quảng Nam “vấn đề RPH Phú Ninh” sẽ được giải quyết theo hướng nào? Ðồng chí Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh đã giao Sở NN và PTNT khẩn trương xây dựng Ðề án lâu dài về QLBVR phòng hộ Phú Ninh (hạn thời gian hoàn thành đề án là tháng 11/2007). Trong đó có ba nội dung chính được nhấn mạnh:


Một là, tiến hành rà soát lại công tác tổ chức; giao quyền hạn, trách nhiệm cụ thể cho các UBND huyện liên quan trong công tác QLBVR phòng hộ Phú Ninh; giao UBND huyện Phú Ninh lập Quy chế phối hợp giữa các ngành kinh tế trong việc khai thác hồ Phú Ninh (du lịch, thủy sản, lâm sản…); nhanh chóng kiện toàn hệ thống kiểm lâm xuống xã, thôn.


Hai là, rà soát lại quy hoạch ba loại rừng (xung yếu, phòng hộ, rừng sản xuất) để từ đó đẩy mạnh công tác GÐGR cho dân. Ðối với RPH phải được thay thế 100% loại giống cây trồng phù hợp.


Ba là, quy hoạch các khu dân cư ven RPH làm cơ sở đẩy nhanh kế hoạch giúp dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp (như ở xã Tam Ðại mở rộng diện tích nuôi cá tra xuất khẩu và trồng cây cao-su, v.v.) Quảng Nam là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn ở khu vực miền trung – Tây Nguyên. Ðây cũng là địa bàn “nóng” của tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Qua những vụ phá rừng quy mô xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh (như Khe Diên, Nam Giang, v.v.) cho thấy, mặc dù tỉnh và các lực lượng chức năng đã có những cố gắng nhất định trong QLBVR nhưng còn bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém; còn thiếu tính chủ động trong công tác QLBVR.


Mặt khác, việc xử lý  sai phạm của những cán bộ ở nhiều cấp, ngành trong việc tiếp tay cho lâm tặc chưa nghiêm minh, gây không ít nghi ngại, bức xúc trong dư luận. (Với RPH Phú Ninh, đây cũng là bài học về vấn đề làm trong sạch  từ nội bộ. Bởi tuy chưa có kết luận chính thức nhưng trên thực tế đã có những biểu hiện tiếp tay phá rừng của một số cán bộ, đơn vị có diện tích rừng trồng trong lưu vực RPH)…


Bài học thực tế giữ rừng ở nhiều địa phương khác  cho thấy, nạn khai thác rừng  trái phép ở Quảng Nam nói chung và RPH Phú Ninh nói riêng chỉ có thể được giải quyết triệt để một khi có sự “nhập cuộc” thật sự và tích cực của người dân trên địa bàn. Bởi suy cho cùng giữ rừng là dân, phá rừng cũng là dân (ngoại trừ số ít đầu nậu “lâm tặc” đúng nghĩa thì phần lớn những người dân sống ven rừng do còn nghèo khó, thiếu việc làm cho nên dễ bị các đầu nậu lâm tặc mua chuộc, lôi kéo mà trở thành đối tượng trực tiếp phá rừng).


Do đó, bên cạnh đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thì “cái chốt” của vấn đề bảo vệ và phát triển vốn rừng vẫn là câu chuyện chính quyền các cấp giải cho được bài toán hợp lý, hài hòa về lợi ích từ kinh tế rừng. Ðồng thời quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống người dân ven rừng bằng các dự án phát triển kinh tế – xã hội phù hợp thì mới mong nâng cao sức “đề kháng” của người dân trong việc QLBVR.