Ô nhiễm trên hồ Cần Nôm

Cùng với hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm là một trong những hồ thủy nông quan trọng, thuộc địa phận xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Thế nhưng, hiện nay việc nuôi cá bè trên hồ Cần Nôm đang gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước sinh hoạt.

Anh Nguyễn Hồng Công ngụ tại ấp Bàu Cây Cám cho biết : Trước đây, chỉ có 4 bè trên hồ, nhưng sau khi đoàn kiểm tra đến yêu cầu tháo dỡ bè cá thì bây giờ đã có đến 5 bè hoạt động. Thực tế cho thấy, thức ăn và thuốc bảo vệ thủy sản, chất thải của người sống ở bè nuôi cá, được đưa xuống hồ, đã làm ô nhiễm hồ Cần Nôm nghiêm trọng… Bởi nước hồ Cần Nôm ít lưu thông nên việc nuôi cá đã dễ gây ô nhiễm môi trường; các tảo nhỏ độc hại phát triển mạnh, nước có mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng trong vùng tưới. Hiện tại, các giếng nước đào của người dân tại đây không thể sử dụng được vì có mùi hôi. Nhân dân địa phương rất bức xúc đã phản ảnh đến các ngành chức năng, nhưng cho đến nay tình hình cũng không có gì thay đổi.

Hiện nay, không chỉ hồ Cần Nôm mà cả hồ Dầu Tiếng cũng trong tình trạng tương tự. Hồ Dầu Tiếng giáp 3 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, là hồ thủy nông lớn nhất nước, đây cũng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho TP.HCM. Thế nhưng, có trên 1.000 lồng cá được nuôi và yếu tố làm cho hồ Dầu Tiếng bị ô nhiễm nặng hơn còn phải kể đến việc khai thác cát với những bãi đổ cát, hàng ngày những con tàu sắt và tàu gỗ vào hoạt động nạo vét suốt ngày.

Không tính những doanh nghiệp tư nhân và chủ tàu ghe khai thác cát lậu, thì có trên 10 doanh nghiệp, cá nhân được phép khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng và số tàu đăng ký đưa vào hoạt động là 30 tàu sắt, 19 tàu gỗ, nhưng thực tế có đến 93 tàu khai thác cát hoạt động, trong đó có 36 tàu sắt không có xuất xứ, không được đăng kiểm vẫn nạo vét, hút cát, gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Được biết, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức những đợt truy quét những bè cá, thế nhưng mỗi lồng bè trị giá khoảng 8 – 10 triệu đồng, chủ bè có người vay vốn ngân hàng để làm ăn. Do vậy, họ khó có thể từ bỏ nghề ngay khi mà tất cả vốn liếng đã đổ vào bè cá. Việc truy quét các bè cá càng khó khăn hơn khi những bè cá đợi lúc đêm khuya, người dân từ nơi khác chở đến, lắp ráp trong vòng một tiếng. Họ đẩy bè ra giữa hồ thì việc đã rồi.

Ông Hồ Văn Thông, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện nay, xí nghiệp có hợp đồng với người dân nuôi cá bè trên lòng hồ Cần Nôm với số lượng là 43 lồng, nhưng thực tế chỉ có 38 lồng diện tích 6x12m trên bè và trong số 38 lồng đó chỉ có 20 lồng là có cá. Những hợp đồng này được ký kết trong vòng 1 năm và chủ bè cá phải bảo đảm vệ sinh môi trường.

Tại hồ Cần Nôm có BQL hồ thường xuyên theo dõi và kiểm tra hoạt động của các bè cá. Nếu như trước đây có đến 79 lồng được hợp đồng, thì nay chỉ còn 38 và công ty cũng khống chế nếu có phát sinh cũng không quá 100 lồng, tuy nhiên, xu hướng các chủ bè cũng giảm đầu tư do giá cả cá trên thị trường rất bấp bênh. Ông Hồ Văn Thông cũng cho biết thêm, việc ô nhiễm môi trường ở hồ Cần Nôm (nếu có) một phần là do những người đi câu cá gây ra.

Do nắm bắt được vấn đề cá nuôi trong lồng thường thoát ra ngoài, có khi câu được cả cá lớn điêu hồng. Vì vậy, họ rủ nhau đến câu, rồi mang thức ăn, nước uống, bịch ni-lông… vứt loạn xạ xuống lòng hồ; hơn thế nữa, họ còn lấy đá ở bờ đập để kê cần câu, bẻ nhánh cây để che bóng mát… xong rồi bỏ đó! Lực lượng BQL hồ đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng có trường hợp còn bị nhóm người câu cá hành hung.

Ngày 11/09/2007 vừa qua, lãnh đạo xí nghiệp cũng có buổi làm việc với các chủ bè cá trên hồ Cần Nôm về việc thực hiện vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn. Qua đó, cho thấy việc từ 4 bè cá phát sinh thành 5 bè cá là có thật, thế nhưng đó là do trước đây có 1 bè cá cùng chung 2 người góp vốn, nay họ tách ra làm 2 bè, số lượng lồng cá trong 1 bè cũng tách làm 2. Vì vậy, số lượng bè có tăng nhưng số lồng cá không tăng. Xí nghiệp cũng đã có công văn gửi đến UBND xã Thanh An để phối hợp giữ gìn ANTT và vệ sinh môi trường đối với số người đến hồ câu cá.

Từ thực tế trên, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Dương và BQL hồ Cần Nôm rất mong người dân địa phương nếu có vụ việc liên quan nên phản ánh bằng văn bản (đơn thư) về xí nghiệp để có phương án giải quyết và xử lý. Qua đây, chúng ta thấy rằng việc nuôi cá bè trên hồ Cần Nôm chỉ là con số nhỏ so với hồ Dầu Tiếng, vì thế các ngành chức năng cần có biện pháp cảnh báo, kiểm tra vệ sinh môi trường và hạn chế sự phát triển của các lồng cá trên lòng hồ.