Thanh tra hai nhà máy thép ở Đà Nẵng: Nhiều sai phạm từ quy hoạch đến quản lý về môi trường

Kết luận mới nhất của Thanh tra Đà Nẵng cho thấy trong 10 năm, hai nhà máy thép đã mắc nhiều sai phạm từ việc thay đổi dây chuyền sản xuất nhưng không thông báo, không điều chỉnh đánh giá tác động môi trường đến việc hợp đồng xử lý chất thải với đơn vị không có giấy phép. Những sai phạm trên được cho rằng bắt nguồn từ những phê duyệt không đúng quy định của chính quyền Đà Nẵng cả về quy hoạch, bố trí cho thuê đất, cấp phép hoạt động… đã dẫn đến những hệ luỵ như hiện nay.

Đối thoại giữa người dân và chính quyền địa phương về vấn đề ô nhiễm môi trường từ 2 nhà máy thép ở Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Hoạt động sản xuất sai, khác với đăng ký

Ngày 6.10, Thanh tra TP. Đà Nẵng đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý về môi trường tại Cty CP Thép Dana – Ý, Cty CP Thép Dana – Úc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong kết luận này đã chỉ ra hàng hoạt sai phạm của hai nhà máy thép trong suốt 10 năm hoạt động. Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, Cty CP Thép Dana – Úc đã hoạt động sản xuất, thay đổi một số máy móc, thiết bị nhưng không lập lại điều chỉnh, bổ sung ĐTM, vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Cả hai Cty chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TNMT) xác nhận hoàn thành toàn bộ công trình, biện pháp bảo vệ môi trường nhưng đã đưa dự án vào hoạt động sản xuất từ năm 2008, 2009.

Về xử lý chất thải, từ khi hoạt động cho đến nay, Cty CP Thép Dana – Ý đã không hợp đồng với các Cty môi trường để vận chuyển, xử lý mà chủ yếu tự san lấp mặt bằng, một phần đang lưu giữ tại nhà máy. Năm 2017, Cty đổ xỉ thải không đúng quy định. Việc quản lý chất thải nguy hại từ năm 2010 – 2012 của nhà máy thép Dana – Ý cũng bị phát hiện có vấn đề khi Cty đã hợp đồng với 3 doanh nghiệp khác để chuyển giao xử lý nhưng cả 3 doanh nghiệp này đều không được cấp phép trong lĩnh vực trên.

Bên cạnh đó, hai doanh nghiệp còn sản xuất sản lượng luyện thép vượt công suất so với quy định tại giấy chứng nhận đầu tư. Trong quá trình hoạt động, hai Cty đã thay đổi một số hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký tại ĐTM được phê duyệt và tất cả đều được “im hơi lặng tiếng”.

Quyết định sai của chính quyền dẫn đến vô vàn hệ luỵ

Điểm đáng chú ý nhất trong kết luận thanh tra này là tất cả những hệ luỵ do hai nhà máy gây ra đều xuất phát từ những quyết định sai của chính quyền trong việc phê duyệt dự án hai nhà máy thép.

Đối thoại giữa người dân và chính quyền địa phương về vấn đề ô nhiễm môi trường từ 2 nhà máy thép ở Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Bởi, trong báo cáo ĐTM của Dự án Hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp được thực hiện ngay từ năm 2006 và được phê duyệt bởi Sở TNMT nêu rõ, việc bố trí ngành nghề trong Cụm Công nghiệp được quy định “không có ngành nghề luyện thép”. Thế nhưng, bất chấp những văn bản quy định trên, cả hai dự án nhà máy thép trên đều được phê duyệt trót lọt từ việc cấp quyền sử dụng đất lâu năm, cấp giấy phép đầu tư, chứng nhận đầu tư và tất cả đều biết rõ hai Cty trên hoạt động sản xuất thép. Thậm chí, trong một vài văn bản quyết định phê duyệt cho hai Cty trên còn có bút phê của lãnh đạo Đà Nẵng lúc bấy giờ – tức nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh đang bị bắt giam. Song hành cùng đó là phía Sở TNMT dù đã biết 2 dự án nhà máy thép là không đúng quy định nhưng cũng không có động thái tham mưu cho thành phố.

Chưa hết, năm 2009, Trung tâm Xúc tiến đầu tư còn trình UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Cty CP Thép Dana – Ý về tăng công suất, vốn, quy mô diện tích đất để thực hiện dự án trước khi UBND thành phố phê duyệt ĐTM. Điều này không đúng với quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

Như vậy, từ một quyết định phê duyệt dự án hai nhà máy thép đi vào hoạt động, chính quyền Đà Nẵng đã khiến hàng trăm hộ dân quanh khu vực hai nhà máy trên phải chịu cảnh sống trong ô nhiễm từ nguồn nước, không khí. Nhiều gia đình phải bỏ nhà cửa đi vì “sống không nổi”. Người dân quá bức xúc hết lần này đến lần khác vây nhà máy để được đối thoại. Năm 2017, để xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực lân cận 2 nhà máy thép, Đà Nẵng chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân. Tuy nhiên, quyết định này sau đó bị huỷ bỏ chỉ chưa đầy một năm vào hồi tháng 3.2018 và cho đến hiện nay, sự dùng dằng và những quyết định thiếu nhất quán của thành phố đang gây hoang mang cho cả người dân và doanh nghiệp.

Tại kết luận trong lần thanh tra này, Chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng có kiến nghị thành phố chỉ đạo, xử lý Sở Xây dựng, Cty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng với thiếu sót trong việc lập, thẩm định không đúng một số nội dung ĐTM. Thế nhưng, đối với trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố (giai đoạn 2007 đến 2014) trong việc phê duyệt ĐTM và cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với 2 nhà máy thép tại cụm công nghiệp, Thanh tra TP. Đà Nẵng cho rằng, hiện nay các lãnh đạo này đang bị điều tra theo quyết định khởi tố của Bộ Công an. Do đó, Thanh tra thành phố kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy để có ý kiến chỉ đạo.

Đối với Cty CP Thép Dana – Ý và Cty CP Thép Dana – Úc, Đà Nẵng cần phải yêu cầu Tổng Giám đốc của hai Cty nghiêm túc chấn chỉnh, có biện pháp khắc phục đối với các tồn tại, vi phạm trong quá trình hoạt động và bảo vệ môi trường theo đúng quy định pháp luật.

Thế nhưng với người dân, đây chưa phải là một kết luận thoả đáng. “Lãnh đạo nào sai thì phải xứ lý đúng người, đúng việc. Còn chúng tôi, sống 10 năm trong ô nhiễm và nay chỉ nói doanh nghiệp khắc phục, các bên kiểm điểm. Vậy ai chịu trách nhiệm cho cuộc sống của hàng trăm hộ dân bao năm qua và tương lai?” – đó là câu hỏi mà chắc chắn Đà Nẵng phải cân nhắc kỹ trước khi đưa thêm bất kỳ quyết định nào vào lúc này.