Bịt mũi vào các bến xe Hà Nội

Đến các bến xe ở Hà Nội, không chỉ phải tránh đám "cò" xe khách mà còn phải tránh rác, các vũng nước đọng đặc quánh và nhăn mặt, bịt mũi trốn mùi xú uế nồng nặc bốc lên từ mọi nơi…

Bến xe Gia Lâm ngày đầu tuần. Cơn mưa buổi sáng không làm cho không khí trong khu vực bến xe dịu bớt đi chút nào. Mặc dù các công nhân vệ sinh làm việc trong khu vực bến xe liên tục “đi tua” để dọn dẹp rác thải nhưng đâu lại vào đấy, chỉ sau vài phút là khu vực nhà chờ xe khách, sân đỗ xe lại đầy rác. 

Nào là túi nilon, vỏ bánh, lá chuối, tàn thuốc lá và thậm chí là những túi “chè” – sản phẩm của các hành khách say xe đều bị vứt một cách vô tội vạ khắp nơi, bất chấp việc đã có những thùng rác đặt khắp bến xe. Hệ quả là bầu không khí trong bến vốn đã ngột ngạt bởi khói xe, mùi thuốc lá, mùi mồ hôi lại càng trở nên khó chịu hơn bởi mùi rác.

Có lẽ cảm thấy việc vứt rác bừa bãi khắp bến xe là chưa đủ nên mặc dù có nhà vệ sinh đàng hoàng nhưng rất nhiều vị khách cả nam lẫn nữ cứ đàng hoàng “nép” sau xe khách mà “xả xú páp”. Bà Thường – người bán nước ở bến xe Gia Lâm chép miệng: “Gặp hôm trời nắng, mùi cống rãnh với cái mùi a-mô-ni-ắc này ngộp thở lắm. Chỉ khổ các cô công nhân vệ sinh suốt ngày phải cọ rửa bờ tường thôi”.

Bến xe Lương Yên được nhiều hành khách đánh giá vào loại “sạch đẹp” của Thủ đô cũng chỉ sạch đẹp hơn bến xe Gia Lâm… ở cái mặt tiền. Ở khu vực đỗ xe dành cho xe khách chạy đường dài tuyến Bắc – Nam của bến này, những vũng nước bẩn đã mọc rêu, nổi váng và bốc mùi khiến bất cứ ai đi qua cũng phải nhăn mặt.

Phía sau khu vực này, có cả một căn lều được dựng lên bằng bạt nilon dành cho lái phụ xe tá túc trong khi chờ khách lên đầy xe. Trước căn lều, hàng chục phuy xăng, dầu nhớt nằm lỏng chỏng. Mùi dầu nhớt và xăng chảy tràn trên mặt đất trộn lẫn với mùi rác thải, mùi cống rãnh tắc lâu ngày tạo thành một thứ mùi khó chịu nhưng lại dễ khuyếch tán trong không khí, gây khó chịu cho mọi hành khách.

Trong khi đó, tại Bến xe Mỹ Đình, “thảm cảnh” mà hành khách đi xe phải hứng chịu là việc nhà vệ sinh công cộng trong khu vực bến bị ngấm nước. Thế là bao nhiêu nước thải đáng lẽ phải được chứa trong bể nước thải lại chảy tràn lên mặt bến, bốc mùi và làm khổ buồng phổi của mọi người có mặt trong bến xe. Anh Đinh Văn Tuấn – hành khách đi xe tuyến Hà Giang bức xúc: “Bến mới mà đã xuống cấp như vậy thì vài năm nữa còn xuống cấp đến thế nào nữa?”.

Cũng tại khu vực Bến xe Mỹ Đình, nhiều bồn hoa do không được thiết kế đường thoát nước xuống cống nên mỗi khi trời mưa, nước mưa đọng thành vũng lớn trong bồn hoa. Cùng với việc rác thải bị các hành khách thiếu ý thức ném bừa bãi khắp nơi nên bồn hoa trở thành những bể chứa rác, nước bẩn một cách bất đắc dĩ.

Tuy nhiên, nhếch nhác và bẩn thỉu nhất trong số các bến xe ở Hà Nội phải kể đến Bến xe phía Nam. Ngay từ cổng vào, đập vào mắt hành khách cảnh tượng rác thải có mặt ở mọi nơi. Rác nằm vắt vẻo trên miệng thùng rác; rác nằm trên lối đi; rác có mặt xung quanh các quán nước và rác có mặt ngay bậc lên xuống của ôtô.

Tại khu vực ki-ốt mới được xây dựng sau khi giải toả phố “bắc thang”, rất nhiều vũng bùn lớn nằm chình ình, choán hết lối đi. Muốn vào một quán nước trong dãy ki-ốt này, khách phải nhón chân bước lên những viên gạch khấp khểnh hoặc phải đi vòng. Không ít người, khi bước qua những viên gạch này đã bị trượt chân, ngã xuống bùn thối.

Tại khu vực nhà vệ sinh trong bến xe, nước thải chảy lênh láng và mùi xú uế bốc lên đến ngạt thở. Trong khi vào chụp ảnh tại nhà vệ sinh này, phóng viên đã vô tình chứng kiến cảnh một thanh niên tìm thấy… ví tiền bị móc ngoài bến xe. Chiếc ví da màu đen này bị kẻ cắp vứt vào thùng rác của nhà vệ sinh, bên cạnh là những chiếc kim tiêm mà đám nghiện ngập, tiêm chích bỏ lại. Bên trong ví, toàn bộ giấy tờ của Bình vẫn còn nguyên, chỉ mất mỗi tiền! Anh Vương Ngọc Bình bức xúc: “Trộm cắp hoành hành quá thể! Đã vậy tình trạng vệ sinh công cộng của bến xe ngày càng… xuống cấp thế này thì quả thật là… “hành” khách rồi”!

Một nhân viên vệ sinh tại khu vực Bến xe phía Nam cho biết: “Ngày nào bọn em cũng phải thu dọn hàng chục xe rác do hành khách xả ra. Làm chẳng bao giờ hết việc cả! Khu vực công cộng mà mỗi người đến bến xe có ý thức vứt rác đúng nơi quy định thì tốt biết bao”.