Thử cải tạo hồ Ba Mẫu để cải tạo Hồ Gươm

TP Hà Nội đã đồng ý cho cải tạo thử nghiệm hồ Ba Mẫu theo công nghệ của Đức, trước khi cải tạo Hồ Gươm.

Đầu tháng 10, đoàn chuyên gia Đức do GS Peter Wener dẫn đầu sẽ sang Việt Nam bàn cụ thể về vấn đề này.

Mục tiêu của việc cải tạo là giảm lớp bùn, tăng thể tích nước trong hồ, cải thiện môi trường nước mà vẫn giữ được màu xanh đặc trưng; đánh giá tổng thể hệ sinh thái và có các giải pháp quan trắc và quản lý bền vững hồ, bảo vệ an toàn cụ Rùa và hệ sinh thái đặc biệt của Hồ.

GS Peter Wener cho biết sẽ sử dụng phương pháp nạo vét bùn tiên tiến của Đức để cải tạo hồ. Công nghệ hút bùn này là không cần phải hút bỏ hết nước của hồ. Bùn được hút bỏ theo từng lớp. Việc hút bùn sẽ được thực hiện theo từng tiểu vùng nhỏ, tiến hành trong thời gian dài 1-2 năm, đủ thời gian để hệ sinh thái các tiểu vùng tái tạo cân bằng với hệ sinh thái hồ.

Hỗn hợp bùn sau khi hút lên được cho qua máy ép với công nghệ tiên tiến để tách nước. Nước tách ra được xử lý trước khi trả lại hồ, còn bùn được ép thành dạng bánh, thuận tiện cho vận chuyển tới nơi xử lý.

Đặc biệt, thiết bị không gây tiếng ồn, không khuấy trộn bùn nên không gây hại cho rùa và các động vật khác trong hồ. Điều này cũng có nghĩa, hàm lượng oxy và hệ sinh thái tầng nước không bị tác động nhiều.

Nhiều ý kiến đưa ra cho rằng mặc dù TP Hà Nội đã đồng ý cho thử nghiệm tại hồ Ba Mẫu, nhưng không nên làm tại hồ này vì môi trường sinh thái của nó hoàn toàn khác Hồ Gươm (?)

“Cần phải khảo sát lại để tìm một hồ cổ, hệ sinh thái cổ, có lớp bùn dầy, chưa từng được nạo vét, cải tạo. Ví dụ như hồ Văn Chương.” – GS Hà Đình Đức đề xuất. Trong khi đó, hồ Ba Mẫu đã từng được nạo vét, cải tạo và sau đó tảo độc mọc làm thối nước hồ.