Quảng Nam: Chặt nhầm rừng đặc dụng!

Nằm cách trạm kiểm lâm chừng 3 cây số nhưng vụ xẻ thịt… nhầm rừng đặc dụng tại thôn Long Viên, xã Phước Mỹ (Phước Sơn, Quảng Nam) diễn ra hơn nửa tháng vẫn không bị phát hiện. Vụ việc chỉ bị phát hiện và ngăn chặn đứng sau cái chết do cây đè của một người được thuê phá rừng. Đáng nói hơn, tham gia vụ này có hai cán bộ huyện.

Phát rẫy… nhầm rừng đặc dụng!


Từ cầu Đắk Ét (Km 328+570), chỉ cần lội không quá trăm mét là đến khu vực rừng bị đốn hạ, từ đây nhìn ra đường Trường Sơn thấy rất rõ xe cộ lưu thông. Chúng tôi có mặt tại hiện trường khi vụ phá rừng đã bị cơ quan chức năng ngăn chặn sau cái chết của ông Hồ Văn Díp, 51 tuổi,  người xã Phước Năng, được thuê đi đốn hạ cây. Hiện trường gần như còn nguyên vẹn với hàng trăm cây rừng lớn nhỏ như chò nâu, chua, trám trắng… bị đốn ngã, có gốc đường kính lên đến hàng mét, dài hàng chục mét… nằm trên một quả đồi, kế bên vạt rẫy của dân.


Bí thư Đảng ủy xã Phước Mỹ, ông Hồ Văn Ly nói: “Chặt cây to vậy mà nói là phát rẫy!”. “Trong vụ này có cán bộ của địa phương tham gia?”, nghe hỏi ông Ly vò vò đầu tóc: “Thông tin là có nhưng phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, nếu sai, chúng tôi sẽ xử lý kiên quyết, không thì rừng Phước Mỹ có mà nát hết…”.


Thông tin ban đầu chúng tôi có được: Khu vực phát rẫy “nhầm” là Tiểu khu 709, có rẫy của ông Hồ Văn Dinh (trú tại thôn Long Viên, xã Phước Mỹ) và vài người khác đã canh tác hàng chục năm nay. Khoảng tháng 07/2007, ông Dinh đồng ý chuyển nhượng cho các ông Ngô Thắng và Đỗ Quang Lợi (thời hạn chuyển nhượng 5 năm) với giá 3,5 triệu đồng để trồng keo, hợp đồng bằng miệng. Tuy nhiên, ông Thắng và ông Lợi đã thuê người phát dọn (nhưng thực chất là đốn hạ cây rừng) trên diện tích khoảng 1,4ha phía khu vực rừng kề bên rẫy ông Dinh. Rất dễ dàng nhận thấy, trên địa phận rẫy của ông Dinh chỉ còn những gốc cây mục, trong khi ranh giới giữa rẫy – rừng cũng dễ phân biệt bởi cây cối dày đặc xung quanh…


Cơ quan chức năng lúng túng


Biên bản Hạt Kiểm lâm Sông Thanh lập lần thứ nhất (ngày 25/07/2007) sau khi xác minh hiện trường cho biết: Diện tích rẫy phát mới là 1,4ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 23,4 khối (gồm gỗ lớn thuộc nhóm 3 đến nhóm 7), gỗ nhỏ và củi thiệt hại ước khoảng 80ste. Tuy nhiên, trong một văn bản khác, diện tích rừng thiệt hại sau khi xác minh lại chỉ còn 0,8ha!

Đáng nói hơn, từ chỗ ban đầu chỉ có các ông Đỗ Quang Lợi, Trưởng phòng Tư pháp thị trấn Khâm Đức và ông Ngô Thắng, cán bộ Ủy ban Kiểm tra Đảng Huyện ủy Phước Sơn tham gia thuê rẫy, thuê người phát dọn đã xuất hiện thêm các ông Ngô Quang (em ruột ông Thắng), ông Hồ Văn Bảo (Phó Bí thư xã Phước Mỹ), ông Hồ Văn Hiền cùng tham gia thuê rẫy (cũng hợp đồng bằng miệng) và tham gia phát rẫy, đốn hạ cây rừng. Chưa kể, ông Hồ Văn Bảo – Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Mỹ đồng thời là con rể của ông Dinh cũng khẳng định anh ta có tham gia phát dọn rẫy nhưng không phát nhầm vào khu vực có cây to. Chính vì vậy, cơ quan chức năng huyện Phước Sơn hiện đang khá lúng túng để xác định thời điểm phát rẫy nhầm, số lượng đối tượng tham gia…


Hạt Kiểm lâm Sông Thanh nhận định, hành vi phá rừng và khối lượng lâm sản bị đốn hạ như đã nói đã vượt hơn gấp 2 lần khung xử phạt hành chính. Chưa kể, nếu căn cứ vào diện tích, khối lượng lâm sản thiệt hại thì phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 189 Bộ luật Hình sự… Vụ việc hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Người bị thiệt mạng do cây đè trong vụ phá “nhầm” rừng đặc dụng tại Tiểu khu 709, thôn Long Viên, là ông Hồ Văn Díp (trú xã Phước Năng) – hiện là cán bộ bảo vệ Trường Dân tộc Nội trú huyện Phước Sơn. Do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn (vợ đau ốm, 3 con còn nhỏ), ông Díp nhận lời đi đốn cây thuê cho cùng ông Ngô Quang. Ngày 05/08, ông Díp tận dụng thời gian rảnh vào khu vực này chặt cây thì bị cây đè chết, việc ông đi chặt cây rừng là do ông tự ý đi, bên thuê người không biết. Bà Hồ Thị Liễu – Hiệu trưởng Trường DTNT huyện Phước Sơn cho biết, nhà trường chỉ mới đến động viên chứ chưa có hỗ trợ nào về vật chất cho gia đình ông Hồ Văn Díp.