122 khoản thu đang "đè cổ" nông dân

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ NN&PTNT cho biết người nông dân đang phải chịu 122 loại thuế, mức đóng góp chiếm 5% tổng thu nhập, và như vậy, cần phải xóa bỏ bớt 18 khoản thu, ước 1.200 tỷ đồng/năm cho họ.

Làm chỉ đủ ăn và mặc!
Theo quy định của Trung ương và HĐND các tỉnh, thành phố, hiện nay, số thuế người nông dân nào cũng phải nộp đã lên đến 122 loại: Khai sinh, chứng tử, xác nhận lý lịch, đăng ký hộ khẩu, chứng thực hợp đồng, cấp giấy tạm trú, trích lục bản đồ… với mức thu từ 2.000 – 10.000 đồng.
Theo báo cáo của 46 tỉnh, thành, điều tra ở 135 xã và 117 HTX nông nghiệp, bình quân mỗi hộ dân phải đóng các khoản đóng góp cho xã, đoàn thể và hợp tác xã (HTX) là 28 khoản/năm, với tổng mức từ 250.000 đồng – 800.000 đồng.
Đặc biệt, tại xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), mỗi hộ dân phải đóng tới 2 triệu đồng/năm. Các khoản đóng góp này khác nhau ở các vùng.
Tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, trung bình mỗi hộ phải nộp 28 khoản/năm, tổng mức từ 250.000 đồng – 450.000 đồng. Các con số này ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng là 26 khoản, 350.000 – 500.000 đồng; Bắc Trung bộ: 24 khoản, 500.000 – 800.000 đồng; duyên hải Nam Trung bộ: 28 khoản, 400.000 – 600.000 đồng…
Những khoản đóng góp này chiếm hơn 5% thu nhập của người nông dân, đồng nghĩa với tình trạng người nông dân không có tiền để chi phí cho các nhu cầu thiết yếu khác: Đi lại, học hành, chữa bệnh, xây dựng nhà ở…
“Đó là điều bất hợp lý, dù rằng các khoản thu đều đúng quy trình. Và vì vậy, sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, người giàu và người nghèo ngày càng lớn” – Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục HTX và Phát triển nông thôn nói.
Gánh nặng của người dân nông thôn với hơn một trăm khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp khác đã tồn tại hàng chục năm nay, trên cơ sở là “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thế nhưng, theo ông Tăng Minh Lộc, thời gian qua, nhiều địa phương đã lợi dụng chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, thu nhiều khoản bất hợp lý, quá sức người dân.
Từ thực tế đó, các nhà khoa học dự báo, càng hội nhập quốc tế sâu rộng, người nông dân càng đứng trước nguy cơ tụt hậu, nghèo nàn. Nhiều vị lãnh đạo các địa phương cho rằng: Có sự không công bằng rất lớn về đầu tư. Trong khi rất nhiều công trình phúc lợi chất lượng cao ở thành thị được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước thì ở nông thôn, chủ yếu người dân phải bỏ tiền xây dựng công trình phúc lợi, chất lượng kém hơn nhiều.
“Đây là lúc Nhà nước cần nhìn nhận lại cơ cấu đầu tư giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, với mục đích giảm bớt sự chênh lệch, đảm bảo công bằng xã hội. Biện pháp trước mắt để bù đắp thiệt thòi của người nông dân là tăng cường đầu tư cho khu vực nông thôn” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định.
Thế nhưng, khi đề cập vấn đề này, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đã có nhiều điểm bất đồng. Các khoản đóng góp như quỹ kinh tế mới, quỹ an ninh quốc phòng…, theo Bộ Tài chính, vẫn giữ nguyên. Còn Bộ NN&PTNT thì cho rằng, đây là các khoản chung cho tất cả công dân, hoặc xóa khoản thu này hoặc tất cả đều phải đóng.
Hay vấn đề thủy lợi phí, Bộ Tài chính muốn miễn toàn bộ nhưng Bộ NN&PTNT lại đề nghị chỉ miễn một phần, còn lại phải thu để bù đắp các chi phí tu bổ kênh mương, tăng chất lượng dịch vụ, chống lãng phí nguồn nước…
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số chính sách nhằm giảm bớt khoản đóng góp bất hợp lý cho người nông dân, nói theo cách nói của Bộ trưởng Phát là “cho vai người nghèo bớt nặng”. 
Đề nghị xóa bỏ 18 khoản thu, ước 1.200 tỷ đồng/năm
Đó là các khoản: Đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, cấp mới hộ khẩu thường trú, đăng ký hộ khẩu thường trú, đăng ký khai tử, cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp lại bản chính giấy khai sinh, cắt chuyển hộ khẩu, xác nhận hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu vì thay đổi địa giới hành chính, chứng thực hồ sơ đi học & đi làm, xác nhận hộ tịch, đăng ký tạm trú & tạm vắng.
Đồng thời đề nghị xóa bỏ một số khoản thu khác như Quỹ an ninh quốc phòng, quỹ phòng chống lụt bão, quỹ kinh tế mới, xây dựng cơ sở hạ tầng điện hạ thế, thủy lợi phí (một phần).
Tổng các khoản đóng góp đề nghị xóa bỏ này ước 1.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, phí và lệ phí: 20 tỷ đồng; quỹ an ninh quốc phòng: 200 tỷ đồng; quỹ phòng chống lụt bão: 300 tỷ đồng; thủy lợi phí: 650 tỷ đồng…