Xử phạt hành chính trong phòng chống lụt bão

ThienNhien.Net – Hàng năm, nước ta phải gánh chịu rất nhiều thiên tai, bão lũ gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Mặc dù công tác phòng chống lụt bão là một hoạt động thường xuyên, thường trực với mọi cấp, mọi ngành nhưng cho đến nay chế tài liên quan đến công tác này vẫn chưa hẳn đã đầy đủ, hoàn thiện. Để khắc phục điều này, Chính phủ vừa ban hành Nghị định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống lụt bão (PCBL), có hiệu lực kể từ 10/03/2010.


Đây là nghị định đầu tiên quy định nội dung này, cũng chính là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực PCBL.

Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ phải chịu một trong hai hình thức phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức tối đa là 40 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị áp dụng 1 hoặc 2 hình thức xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được cấp liên quan đến vi phạm; tịch thu tang vật, phương tiện gây ra vi phạm.

Cần lưu ý là không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính cá nhân trong khi mắc bệnh tâm thần; các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng tự điều khiển hành vi.

Khi xem xét để quyết định hình thức xử phạt, nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tố tụng. Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt nghiêm khắc vi phạm trong phòng ngừa lụt, bão

Tàu, thuyền, bè mảng, các phương tiện khác neo đậu không phép hoặc sai phép vào công trình PCLB hoặc tổ chức, cá nhân phát hiện công trình PCLB bị hư hỏng, sự cố mà không thông báo cho cơ quan có trách nhiệm sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp gia cố công trình PCLB, chằng chống nhà cửa, sơ tán đảm bảo an toàn.

Mức phạt tới 20 triệu đồng dành cho hành vi phá hoại hoặc khai thác không đúng quy định cây chắn sóng, nổ phá trong phạm vi bảo vệ công trình PCLB.

Nếu xây dựng các công trình làm hư hỏng một phần hoặc toàn bộ công trình PCLB hoặc xây dựng không phép, sai phép các kho chứa lương thực, chất độc hại trong vùng phân lũ, vùng thường bị ngập lụt sẽ bị phạt từ 20-40 triệu đồng và phải lập tức khôi phục lại tình trạng ban đầu của công trình.

Hành vi tung tin thất thiệt liên quan đến lụt, bão gây hoang mang trong cộng đồng sẽ bị phạt tới 10 triệu và mức 20 triệu dành cho hành vi sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho công tác PCLB.

Vận hành hồ chứa sai quy trình sẽ chịu mức phạt cao nhất 40 triệu đồng

Đó là mức phạt khi chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện không có quy trình vận hành được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc vận hành các hồ chứa trái quy trình.

Mức phạt này cũng áp dụng cho trường hợp phát tín hiệu cấp cứu – khẩn cấp của tàu thuyền trên biển nhưng không hợp tác với lực lượng cứu hộ của cơ quan chủ trì về cứu hộ cứu nạn. Ngoài việc bị phạt tiền, người đề nghị cứu hộ còn bị xem xét bồi hoàn chi phí cho việc điều động cứu hộ.

Khi phân phối hàng cứu trợ chậm trễ hoặc không đúng đối tượng, tổ chức, cá nhân phải chịu mức phạt tới 10 triệu đồng. Và 15 triệu đồng là mức phạt dành cho hành vi chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm cứu trợ vùng bị ảnh hưởng do bão lũ. Người vi phạm còn bị buộc hoàn trả lại số tiền, hàng đã bị chiếm dụng.

Kịp thời điều chỉnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCLB

Hàng năm, nước ta phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại về người và của do bão, lũ gây ra. Số hàng hóa cứu trợ vì thế cũng lên tới hàng trăm ngàn tấn. Ngân sách cũng như số tiền mặt do các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng. Nghị định này ra đời sẽ kịp thời điều chỉnh nhiều hành vi mà trước đây chưa có chế tài nào ràng buộc. Trên thực tế đã có nhiều hành vi chiếm đoạt tiền, hàng cứu trợ, xâm hại các công trình PCLB nhưng chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác định hành vi, xử phạt cũng như cản trở rất nhiều trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đưa vào quy chuẩn và rành mạch từng hành vi, có chế tài tương xứng với hành vi vi phạm sẽ là động cơ cho việc nghiêm túc thực hiện các quy trình PCLB, giúp ngăn ngừa và cứu hộ cho đồng bào bị bão lũ được nhanh chóng, kịp thời.