Xây trung tâm sinh học bức xạ tạo giống cây đầu tiên tại Việt Nam

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn đồng ý giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam 117 ha đất (thuộc phường 12 , TP Đà Lạt) để xây dựng Trung tâm sinh học bức xạ tạo giống cây nông nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Kỹ sư Nguyễn Hữu Quang (Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân- công nghệ cao), chủ trì dự án cho biết: Ngành nông nghiệp hiện phải chịu sức ép do diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp nhưng phải bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và chất lượng sản phẩm.  Do đó, bên cạnh việc đưa công nghệ canh tác hiện đại vào sản xuất còn phải chủ động tạo được nguồn giống mới có chất lượng cao. Hiện chi phí nhập khẩu giống chiếm tỷ lệ trung bình từ  30 – 50% giá thành sản phẩm, mặt khác nếu không chủ động được nguồn giống thì Việt Nam không thể  xuất khẩu thành phẩm hoặc bị hạn chế rất nhiều vì Luật  Bản quyền giống. Sự ra đời của một trung tâm sinh học bức xạ tạo giống cây trồng là hết sức cần thiết.
Được biết từ những năm 1960-1961, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ứng dụng thành  công kỹ thuật hạt nhân trong đột biến tạo giống cây  trồng mới. Ở Nhật Bản hiện có 6 viện nghiên cứu và trung tâm trang bị thiết bị chiếu xạ tạo đột biến cây trồng. Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore đều có những trung tâm tạo giống mới, trong đó có sử dụng phương pháp đột biến bằng phóng xạ. Tiến sĩ Mai Quang Vinh (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam) thông tin, trên  thế giới có trên 2.200 loài mới được tạo nhờ phương pháp đột biến bằng phóng xạ. Theo tiến sĩ Vinh, trung tâm nên chọn Công nghệ sinh học đột biến và tập trung 5 nhóm đối tượng như:  hoa, rau, cây cảnh, cây dược liệu và cây chè. 
Ông Nguyễn Tiến Thịnh (Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt), người có 25 năm nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học hạt nhân, gợi ý: “Nên biến trung tâm thành một địa chỉ du lịch khám phá khoa học như một số nước đã làm. Nhật Bản hằng năm vẫn tổ chức “Ngày của khoa học kỹ thuật”  để công chúng thoải mái vào ra các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học tìm hiểu và được hướng dẫn thực hành việc ứng dụng rất hấp dẫn. Nếu làm được điều này có thể tạo thêm một sản phẩm du lịch độc đáo cho Đà Lạt trong tương lai”.