2 triệu trẻ em chết mỗi năm do nước bẩn và thiếu toa-lét

Mỗi ngày trôi qua có hơn 6.000 trẻ em chết vì sử dụng nước bị ô nhiễm; khoảng 1/3 dân số thế giới, tức 2,6 tỉ người không có toa-lét để sử dụng… Các chuyên gia lại lên tiếng tại Hội nghị quốc tế nhân Tuần lễ Nước Thế giới, được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, từ 12 – 18/08.

Theo các chuyên gia y tế, gần 1/3 dân số thế giới hiện không có toa-lét để sử dụng và 1 tỉ người đang sống trong các khu nhà ổ chuột dơ bẩn. Một trong những hậu quả là mỗi ngày có hơn 6.000 trẻ em tử vong vì các bệnh phát sinh từ điều kiện vệ sinh không an toàn.

Lời cảnh báo này được đưa ra tại Hội nghị quốc tế nhân Tuần lễ Nước Thế giới, được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, từ 12 – 18/08/2007, với sự tham dự của khoảng 2.500 chuyên gia trên khắp thế giới.

Theo Viện Nước Quốc tế Stockholm (SIWI):”Tiêu chảy phát sinh từ điều kiện vệ sinh không an toàn là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 2 triệu trẻ em nghèo mỗi năm”. Cụ thể là cứ mỗi ngày trôi qua có hơn 6.000 trẻ em chết vì sử dụng nước bị ô nhiễm.

Ông David Trouba, phát ngôn viên của SIWI, cho biết 50 – 70% số bệnh viện trên toàn thế giới đang đầy ắp những bệnh nhân đang điều trị các bệnh liên quan đến nước bẩn – những bệnh có thể ngăn chặn được một cách dễ dàng nếu được quan tâm đúng mức.

Còn theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tổng số các trường hợp bệnh tật trên thế giới, 80% phát sinh từ nguồn nước bị ô nhiễm và sự thiếu thốn các điều kiện vệ sinh tối thiểu. 

Thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là, tại Hội nghị trên, các chuyên gia cho biết, hiện có khoảng 1/3 dân số thế giới, tức 2,6 tỉ người không có toa-lét để sử dụng, dẫn đến tệ nạn phóng uế bừa bãi, với khoảng 200 triệu tấn phân người hàng năm không được xử lý. Tình trạng này góp phần làm nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, tạo điều kiện cho bệnh tật phát sinh.

Ở một số nước, nhiều trẻ em gái đã không thể tiếp tục đi học vì nhiều trường không có nhà vệ sinh phù hợp hoặc các nữ sinh phải sử dụng chung toa-lét với nam sinh.
Bên cạnh đó là vấn đề nhà ổ chuột. Theo bà Inga Bjoerk Klevby, Phó Giám đốc điều hành Chương trình Habitat (Môi trường sống) của Liên hiệp quốc: “Nhà ổ chuột là một vấn đề nhức nhối không kém vấn đề nước và vệ sinh”. hiện có khoảng 1 tỉ người, tức 1/6 dân số thế giới, đang sống trong các khu nhà ổ chuột tồi tàn hay các khu vực quá chật chội và dơ bẩn. Đó là những nơi không có cơ sở hạ tầng phù hợp để bảo đảm an toàn nguồn nước và vệ sinh môi trường.

Thêm vào đó, xu hướng đói nghèo ngày càng tăng ở các khu vực thành thị cũng chưa có dấu hiệu được cải thiện, trong khi hiện có đến 50% dân số thế giới đang sống ở các nơi đô thị, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 65% vào năm 2030. 
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng các điều kiện vệ sinh cơ bản và an toàn nguồn nước có tác động rất lớn đến sự phát triển của xã hội.

Liên hiệp quốc đã tuyên bố lấy năm 2008 làm Năm Vệ sinh Quốc tế, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dân nghèo thành thị ngày càng tăng và các khu nhà ổ chuột ngày càng nhiều.

Liên hợp quốc cho rằng, tình trạng nước ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ nhận thức không đầy đủ và đầu tư kinh phí không thỏa đáng tại nhiều nước trên thế giới.

Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, tỉ lệ tử vong ở trẻ em và tiến độ xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, chúng cũng ảnh hưởng đến vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội, việc học hành của người dân, sự lành mạnh của môi trường và sự phát triển kinh tế – xã hội của từng quốc gia.
Theo ước tính của Liên hiệp quốc, cứ 1 USD đầu tư cho việc xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường sẽ giúp tiết kiệm được từ 3 – 34 USD cho các chi phí về y tế, giáo dục và phát triển kinh tế – xã hội.