Liên kết phát triển mô hình có thế mạnh

Nông dân TPHCM đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh như trồng rau an toàn, hoa – cây kiểng, cá cảnh, nuôi trùn, trăn, ba ba… Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi này, không phải là dễ, trong khi diện tích đất nông nghiệp còn khá lớn và có giá trị kinh tế cao.

Nhiều mô hình
 
Những năm gần đây, kinh tế ở ngoại thành không ngừng phát triển, không những xóa đói, giảm nghèo, nhiều hộ nông dân đã vươn lên khá giả và làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa, phong phú hóa các loại cây trồng, vật nuôi của nền nông nghiệp đô thị, phù hợp điều kiện đất đai, kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Xã Xuân Thới Thượng là một trong những xã nghèo của huyện Hóc Môn đang có phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ. Có lẽ ở huyện Hóc Môn chưa có nơi nào trồng cây cải bông, su su… nhiều như địa phương này.
 
Anh Nguyễn Văn Hoàng ở ấp 2 cho biết, 2 năm trở lại đây, cây cải bông, su su đã thực sự đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình và nhiều hộ dân trong xã. Hơn nữa, trồng và chăm sóc loại cây này lại không tốn nhiều công sức. Trồng 2 sào, mỗi vụ (gần 2 tháng) thu gần chục triệu đồng. Tại huyện Củ Chi hiện có khoảng 30 hộ làm nghề nuôi và sản xuất cá cảnh. Mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 7 triệu con cá cảnh, bao gồm các loại giống cá cao cấp như: cá dĩa, la hán… lợi nhuận 100 triệu đồng/hộ/năm.
 
Với quá trình đô thị hóa nhanh như hiện nay, đất canh tác nông nghiệp đã bị thu hẹp, đa phần người dân chuyển sang ngành nghề khác có thu nhập cao hơn. Anh Quách Vĩnh Tấn, khu phố 4, phường An Lạc quận Bình Tân là một trong những người làm giàu nhờ trồng rau mầm nhưng không cần nhiều đất.
 
Anh cho biết, nắm bắt được nhu cầu sử dụng rau sạch đang được người dân quan tâm, trong số ấy có một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại ít người sản xuất: rau mầm. Thế là anh chọn mua những hạt củ cải trắng, đậu, mè đen, rau dền, cải bẹ xanh… rồi gieo vào những thùng xốp (chất cao nhiều lớp, giống như giường tầng) rải đều một lớp đất sinh học (chế tạo từ bụi xơ dừa) giữ độ ẩm khoảng 250C, sau 5 ngày thu hoạch. Hiện nay sản phẩm rau sạch của anh Tấn có mặt ở hầu hết các siêu thị, nhà hàng… sau khi trừ mọi chi phí lãi trên 1 triệu đồng/ngày.
 
Phần lớn nông dân ngoại thành bỏ trồng lúa chuyển sang nuôi bò sữa, trồng rau an toàn, hoa – cây kiểng, cá cảnh, trồng cỏ cung cấp cho chăn nuôi bò sữa, sản xuất giống bắp, rau đậu. Ngoài mô hình trên, hiện nay việc chăn nuôi động vật hoang dã cũng đã góp phần đa dạng hóa ngành chăn nuôi, tăng thu nhập cho hộ nông dân như: nuôi gấu, dê, thỏ, heo rừng, nhím, nuôi ong lấy mật, trăn, ba ba… cũng phát triển nhanh, làm phong phú thêm các sản phẩm chăn nuôi.
 
Những khó khăn, vướng mắc…
 
Củ Chi là huyện còn nhiều đất trồng lúa nhất TP: khoảng 14.000 ha. Bà Tô Từ Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, lo lắng chuyện nông dân không còn trồng lúa nhưng các cây trồng vật nuôi khác cũng bấp bênh. Người dân thường hay chạy theo phong trào thấy cái lợi trước mắt không nghĩ tính bền vững lâu dài. Nhiều mô hình chuyển đổi rất thành công như nuôi cá kiểng, trồng cây cảnh, sản xuất rau an toàn… nhưng không dễ kêu gọi nông dân bỏ trồng lúa khi mà nhiều người vẫn còn tâm lý có lúa trong nhà cho chắc ăn.
 
Ông Nguyễn Thanh Lương, Trưởng phòng kinh tế, huyện Cần Giờ cho biết, huyện chỉ còn khoảng 700 ha đất trồng lúa cho năng suất thấp và đang có chủ trương chuyển đổi sang nuôi tôm, cua, cá… trong vài năm tới. Cái lo nhất không phải là chuyển đổi cây trồng, mà là chất lượng của sự chuyển đổi này.
 
Theo ông, khó khăn nhất là cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tôm giống chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Người dân cần chuyển sang nuôi tôm, cá đặc sản, cua biển nhưng lại không có giống. Lực lượng khuyến nông còn hạn chế không bám sát thực tế, xử lý khi có bệnh xảy ra. Tình hình triển khai đầu tư, xây dựng các công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản còn rất chậm. Đặc biệt, các công trình cấp thoát nước ở khu vực nuôi tôm, các chủ dự án chậm triển khai. Nói tóm lại cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp sự chuyển đổi cây trồng vật nuôi của nông dân. 

Mục tiêu của Sở NN-PTNT đến 2010, chuyển đổi 28.000 ha đất lúa sang nuôi trồng các loại cây, con khác, thì mỗi ha đất trồng lúa sau khi chuyển đổi sẽ có doanh thu khoảng 130 triệu đồng và giá trị tăng thêm đạt 54 triệu đồng/ha.
 
Một thực tế khác, ở ngoại thành hiện nay có tình trạng “nông dân không đất”. Đây là những trường hợp nông dân có đất nhưng họ cho những người đến từ các địa phương khác thuê lại để sản xuất. Các giải pháp chuyển đổi cây trồng vật nuôi ở TP sẽ khó khả thi một khi chủ đất thực sự không còn muốn canh tác trên mảnh đất của mình. Như vậy, nông nghiệp TP muốn phát triển bền vững thì mỗi địa phương cần phải liên kết những mô hình cụ thể, có thế mạnh của mình để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất.