Mỹ nữ rừng xanh đổ lệ

Với bộ lông đuôi tuyệt sắc trời ban, loài công được mệnh danh là mỹ nữ rừng xanh. Giới lắm tiền nhiều của đã không ngần ngại chi hàng nghìn USD tuyển "mỹ nữ" rừng xanh về làm thịt.

Món cung vua tiến chúa
Không ồn ào, ầm ĩ như cơn sốt sừng tê, mật gấu, huyết xà đởm (máu mật rắn hổ mang), nấm cổ linh chi, huyết lình tửu (rượu ngâm máu khỉ)…, trào lưu lùng ăn nem công của giới lắm tiền âm thầm diễn ra từng ngày.
“Về các món thời trân vua chúa ngày trước ưa dùng, nem công bao giờ cũng xếp hàng top”. Nói đến đây, ông Hải, chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Chợ Lớn, người mới đây tung tin lên mạng “sẵn sàng xỉa 3.000 USD để được ăn nem công và nhâm nhị tửu đởm (rượu pha mật công)” ra chiều hiểu biết: “Tui thích ăn nem công bởi có lần tình cờ đọc bài báo nói về bữa tiệc Từ Hy Thái hậu đãi sứ thần phương Tây tại cung Duy An vào năm 1874. Ấn tượng nhất là đoạn nói “Nem công là món quý nhưng món trứng càng quý bội phần vì rất khó lấy. Để đãi khách, Từ Hy thái hậu đã cho huấn luyện 100 con khỉ chuyên đi lấy trộm trứng chim công”.
Trong mục IX (Phẩm vật) sách Vân Đài Loại Ngữ do Lê Quý Đôn viết cách đây hơn 230 năm (1773) có nói: “Nem công màu trắng ngọc ngà là món cung đình chỉ có vua ngự hoặc dùng thết đãi sứ thần, tân khoa. Thịt chim công rất thơm, có tính bổ, giải độc”.
Trong Bản Thảo cương mục, đại danh y Lý Thời Trân có chép: “Thịt công làm thư giãn gân cốt, bổ gan bổ phổi, lưu thông khí huyết”. Theo Lương y Kỳ Bá Linh (Phòng khám Đông y Kỳ Bá Linh) ở phố thuốc Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP. HCM: “Nem công là món ăn đặc biệt được chế biến không qua nấu nướng mà bằng sự lên men vi sinh giữa thịt đùi công giã mịn và các gia vị có tính nóng như riềng, tỏi, tiêu… Theo Đông y, thịt công có tính giải độc các chất độc tố mà con người lỡ hấp thụ vào cơ thể. Đây là điều then chốt giải thích vì sao nem công rất quý và được các bậc đế vương xưa xem như món ăn hộ mạng”.
Trong tầm ngắm trưởng giả học đòi
Tại phố chim cảnh trên đường Hoàng Văn Thụ (gần công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), nghệ nhân Lý Quốc Định, Hội viên Hội sinh vật cảnh TP. HCM cho biết: “Cái gu thưởng thức các món ngự thiện (món vua ăn) đang là mốt của giới trọc phú. Đệ tử của nhiều ông lớn thi thoảng hay tìm đến anh em trong hội hỏi mua chim công về mần thịt”.
Theo mách nước của nghệ nhân Định, tôi bắn tin “có cặp chim công muốn gả”. Sau vài câu truyền miệng của các hội viên, có người đàn ông tên Quân sán tới, giọng sỗ sàng: “Thằng nào bán đâu, tao bụp liền”. Khi nghe “mới vừa gả xong”, ông này chép miệng ra chiều tiếc rẻ: “Mấy món tiến vua như cá anh vũ, chim sâm cầm, cá chép Cần Xá, nem công tao quất cả rồi. Nhưng kết nhất là thằng chim công này thôi. Nó đúng là đại ngon, đại bổ’.  
Quân khoe ông ta đã 3 lần nếm mùi vị của nem công và mỗi lần như thế đã chi hơn 3.000 USD. “Quý ông” kể, để được ăn món nem công vua ngự chính hiệu, sau khi tậu được chim quý rồi, ông này đã cho “đệ tử” bay ra Huế thỉnh một bếp thủ chuyên trị các món cung vua tiến chúa vào Nam “nấu món bát bửu hồ lô khổng tước”.
Nỗi buồn mỹ nữ
Điều tra khảo sát nghiên cứu về chim công, Viện Sinh thái tài nguyên và môi trường cùng BirdLife đã ghi nhận có nhiều chim công sinh sống tại các vùng rừng khộp ở huyện Ea súp, Ea H’leo, Buôn Đôn thuộc tỉnh Đắk Lắk. TS Vũ Ngọc Long, Trưởng đoàn nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN cho biết, 5 năm trước tại các huyện miền núi Đức Cơ, Chư Sê, Krông Pa, Chư Prông, Azun Pa (tỉnh Gia Lai) và tại vùng rừng Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), các nhà khoa học cũng bắt gặp bóng dáng nhiều chim công. Bây giờ thì!… Anh Lâm Tùng Quế, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (Chi cục kiểm lâm TP. HCM) trần tình: “Giá thị trường hiện nay, một con chim công được bắt từ rừng không dưới 1.500USD, nghĩa là hơn 20.000.000đ. Nguồn lợi quá lớn nên thợ sơn tràng rất nhiệt tình và sử dụng đủ mọi phương cách để đưa công vào rọ”.
Bị tầm nã gắt gao nên chuyện công bay ngoài trời nay chỉ còn là hình ảnh của quá khứ. Săn công ở rừng không được, nhiều kẻ đã lên kế hoạch đột nhập các vườn thú và những chủ trang tại có nuôi loài chim quý này. Ông Hoàng Xuân Tị, phụ trách đội bảo vệ tại Khu du lịch Bà Nà (Quảng Nam) bức xúc: “Trước đây, khu du lịch có nuôi khỉ và rùa nhưng bị bọn xấu bắt trộm cả rồi. Đàn công cũng bị nhiều kẻ giả dạng du khách dòm ngó và đã bắt trộm 1 con”.
Cuối tháng 7 vừa rồi, Phó Giám đốc Sở giao thông Công chính TP. HCM, ông Lê Toàn đã lên tiếng xác nhận thông tin Thảo cầm viên Sài Gòn bị mất cắp 3 con chim quý gồm 2 con vẹt và 1 chim công đực. Con công bị mất trộm được mua từ nước ngoài, là chàng công đẹp nhất trong chuồng công gồm 3 con. Theo suy đoán của nhiều dân chơi sinh vật cảnh, vụ bắt trộm này tương tự vụ án “trộm ông ba mươi” xảy ra tại Trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) vào đêm 28/06/2006. Nghĩa là đối tượng chuyên đi bắt trộm chim thú quý hiếm theo đơn đặt hàng của đại gia nào đó.