Cần sớm quản lý chất thuỷ ngân độc hại trong đèn Compact

Mỗi đèn Compact có khoảng 5 mg thuỷ ngân. Nước ta đang sử dụng 1 triệu đèn Compact, trong đó nhiều bóng bị hỏng, sinh ra số thuỷ ngân không được thu gom, quản lý. Chất thuỷ ngân rất độc đối với sức khoẻ con người.

Ở nước ta bắt đầu sử dụng đèn Compact từ năm 2000. Thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng, dự định đến năm 2010, cả nước sẽ có khoảng gần 20 triệu bóng đèn Compact. Trong khi đó, các cơ quan chức năng Nhà nước, trước hết là Bộ Tài nguyên- Môi trường, (đơn vị được giao quản lý về lĩnh vực này) quá chậm chạp trong việc tổ chức quản lý chất độc hại, hướng dẫn người dân đề phòng hiểm hoạ.
Ông Trần Thế Loãn – Trưởng phòng kiểm soát ô nhiễm, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên, môi trường) cho biết: Về văn bản pháp quy quản lý chất thải nguy hại khá đầy đủ, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa được bao nhiêu. Từ đầu năm đến nay, phòng mới cấp giấy phép hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại cho 3 cơ sở, nhưng chưa có đơn vị nào thu gom, xử lý chất thuỷ ngân trong đèn Compact.
Trao đổi về kinh nghiệm của một số nước có ghi ký hiệu hoặc hướng dẫn cách xử lý với sản phẩm có chất nguy hại để tránh gây ô nhiễm môi trường, thạc sĩ Nguyễn Hoà Bình, Cục phó Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên-Môi trường) thừa nhận, việc này ở Việt Nam chưa làm được. Cán bộ của Cục Bảo vệ môi trường đã đi tham khảo nhiều nước, nhưng chưa bổ sung được những quy định cụ thể vào văn bản quản lý môi trường.
Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội), một trong hai đơn vị sản xuất lượng bóng đèn Compact nhiều nhất nước ta hiện nay cũng còn né tránh việc cảnh báo người tiêu dùng sử dụng đèn Compact một cách an toàn.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Khi đề cập tới trách nhiệm của Công ty về việc khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng một cách an toàn đối với đèn Compact có chất thuỷ ngân, ông Nguyễn Đoàn Thăng cho rằng: “Hiện nay đang khuyến khích người dân dùng đèn tiết kiệm điện Compact, lại nói vấn đề chất độc hại thuỷ ngân trong đèn thì sẽ gây phức tạp”. Còn bà Nguyễn Thị Xuân, trưởng phòng kỹ thuật công nghệ của Công ty thì cho rằng, Công ty không có trách nhiệm in dòng chữ khuyến cáo cách xử lý an toàn với đèn Compact hư hỏng lên bao bì sản phẩm.
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 có điều khoản quy định: Các nhà sản xuất phải ghi rõ những khuyến cáo về sức khoẻ và môi trường, nếu trong thành phần của sản phẩm có yếu tố độc hại. Thạc sĩ Nguyễn Hoà Bình, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường cũng khẳng định trách nhiệm của nhà sản xuất đèn Compact là “ngoài tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích tiết kiệm điện năng của đèn thì phải tuyên truyền cho người dân biết, sau khi sử dụng xong phải thu gom riêng, xử lý riêng, giảm nguy cơ thất thoát bột thuỷ ngân ra môi trường”.
Văn phòng Chương trình Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công nghiệp)-nơi đang cổ vũ dùng đèn tiết kiệm năng lượng, trong đó có đèn Compact cũng từ chối trách nhiệm hướng dẫn người dân sử dụng đèn một cách an toàn. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chánh Văn phòng Tiết kiệm năng lượng cho rằng, đây là trách nhiệm của Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và nhà sản xuất.
Như vậy, việc quản lý, xử lý chất thuỷ ngân độc hại trong đèn Compact khi đưa ra sử dụng hiện nay còn hoàn toàn bị thả nổi. Các nhà sản xuất trong nước đều biết sự nguy hại của thuỷ ngân trong đèn đối với sức khoẻ con người và môi trường, nhưng chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà chưa có trách nhiệm cảnh báo sử dụng sản phẩm một cách an toàn. Các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề này.
Trên tiến trình tiến lên sản xuất sạch, phát triển bền vững, việc quản lý chất thuỷ ngân độc hại trong đèn Compact phải được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Tài nguyên-Môi trường và các Bộ, ngành chức năng cần thực hiện nghiêm những quy định đã có, ban hành những quy định còn thiếu, buộc các nhà sản xuất đèn Compact có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng quản lý, thu hồi đèn sau khi hết tuổi thọ, không để chất thuỷ ngân có trong đèn ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, các ngành các cấp, trong đó có các phương tiện thông tin đại chúng, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và có cách ứng xử đúng mực với vật phẩm, vật dụng có chứa chất nguy hại. Nếu chúng ta không kiên quyết làm ngay từ bây giờ, đến lúc chất thải bột thủy ngân trong đèn huỳnh quang ảnh hưởng đến sức khoẻ con người như tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay thì thật là nguy hại.