Chủ tịch Đà Nẵng tiết lộ 2 dự án “ma” ven biển

Ngày 15/5, HĐND TP Đà Nẵng tổ chức chương trình HĐND với cử tri lần thứ 3. Chương trình vốn được xem như “bước đệm” để thành phố tiếp nhận ý kiến, chuẩn bị cho kỳ họp HĐND thường kỳ diễn ra thời gian tới. Một lần nữa, câu chuyện ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, đất dự án ven biển… được cử tri “mổ xẻ”, phản ánh.

Ông Huỳnh Đức Thơ thừa nhận vấn đề ô nhiễm môi trường đang khá “nóng” tại Đà Nẵng thời gian qua.

Có thể thu hồi sớm vì giao đất cho tên không có thật, chủ không có thật

Mở đầu phần nêu ý kiến, cử tri tiếp tục phản ánh một loạt dự án du lịch mọc lên, bít lối xuống biển của dân tại khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hàng chục năm qua. Trả lời ý kiến cử tri, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, TP đang triển khai trước hai lối xuống biển ở đường Hồ Xuân Hương và tại khu vực Trung tâm hội nghị Ariyana.

Theo ông Hùng, lối xuống biển ở Ariyana đã phê duyệt quy hoạch,  khởi công trong tháng 7/2018. Nếu đúng tiến độ sẽ hoàn thành trong 2 tháng tới. “Lối xuống biển ở đường Hồ Xuân Hương hiện đang chờ báo cáo lên lãnh đạo cao nhất của TP để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người dân. Nguyên tắc phải đảm bảo tạo lại lối xuống biển như cũ và thậm chí tốt hơn”, ông Hùng nói.

Ở nội dung liên quan, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, trước đó 1 tuần, UBND TP đã mời các Ban của HĐND TP và các cơ quan chuyên môn kiểm tra lại lần cuối. “Sau rà soát, sẽ chốt lại phương án đề xuất điều chỉnh quy hoạch gồm các lối xuống biển và các khu đất chậm triển khai ở khu vực ven biển để tính đến bồi thường giải tỏa và thu hồi lại”, ông Thơ nói.

Ngoài ra, ông Thơ tiết lộ, TP đã nghiên cứu một số khu đất mà trước đây TP giao giờ đang có vấn đề về pháp lý. Theo đó, có hai dự án ở ven biển được phát hiện và TP đã trao đổi với Thanh tra Chính phủ. “Có thể TP không chờ đợi kết quả điều tra, thanh tra mà tiến hành thu hồi sớm vì giao đất như vậy không đúng đối tượng; giao những cái tên sai, tên không có thật, chủ không có thật. Tức là đã có những quyết định giao đất “ma”. Chúng ta có lại một số hecta đất ven biển. Trường hợp xấu, sau này chủ thật xuất hiện, đến đòi lại đất, chúng ta giải quyết bằng cách bồi thường lại giá đất hồi xưa”, ông Thơ nói.

“Nóng” ô nhiễm môi trường! 

Cử tri Phạm Bá An, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) nêu vấn đề ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn ở khu dân cư do các nhà máy hoạt động trong Khu công nghiệp Liên Chiểu và đề nghị thành phố quan tâm, có những giải pháp căn cơ.

Giải thích nguyên nhân trên, ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, tại khu công nghiệp này có nhiều nhà máy được xây dựng trước khi khu công nghiệp thành lập. Một số nhà máy có khoảng cách cách ly chưa đúng quy định… Về các giải pháp trước mắt, đã đầu tư đường bê tông kết hợp thoát nước nhằm hạn chế ô nhiễm và cho trồng cây xanh ngăn bụi. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai trồng cây xanh chưa đúng quy định. Sở sẽ đôn đốc đơn vị thực hiện. Về lâu dài, Sở sẽ tổng hợp báo cáo đề nghị UBND thành phố để có sự điều chỉnh hợp lý, đảm bảo tránh ô nhiễm môi trường.

Vấn đề này, ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP cũng nhìn nhận, nguyên nhân gây ô nhiễm do lịch sử quy hoạch chưa dự báo hết. Những giải pháp đưa ra chưa giải quyết rốt ráo, phải có giải pháp xử lý, quy hoạch bền vững.

Xung quanh bức xúc về ô nhiễm bãi rác Khánh Sơn nhiều năm qua không giải quyết, cử tri đề nghị có kế hoạch di dời vào năm 2019 đúng theo cam kết của chính quyền. Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, theo thiết kế của bãi rác này, đến năm 2021 mới hết công năng sử dụng. Để di dời bãi rác Khánh Sơn, ông Nam nêu, trong khi chờ khu xử lý chất thải rắn hoàn thành đưa vào sử dụng để di dời bãi rác Khánh Sơn, Sở đã tính toán tiếp tục dự phòng cho chôn lấp rác, để tránh ô nhiễm.

Ông Nguyễn Nho Trung cho rằng, việc ô nhiễm do bất cập từ trong quy hoạch, trong cấp phép chưa đúng chuẩn, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời nên gây bức xúc trong dân. Cần tập trung xử lý, vào cuộc một cách quyết liệt. Phải làm tới nơi, tới chốn. Sức khỏe con người là quan trọng. Vì vậy, trong kì họp HĐND giữa năm sắp tới, sẽ nghe báo cáo về lộ trình xử lý, chuyển đổi công năng, thay mới trang thiết bị hoặc di dời nhà máy cụ thể như thế nào để tránh ô nhiễm cho bà con nhân dân. Ban Quản lý khu công nghiệp cần tạo điều kiện bố trí đất cho doanh nghiệp ra khỏi khu dân cư tránh ô nhiễm…

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ thừa nhận, vấn đề ô nhiễm môi trường khá “nóng” thời gian qua tại Đà Nẵng. Ông Thơ yêu cầu, điều quan trọng là cần tập trung vào giải pháp trước mắt để giải quyết bức xúc cho nhân dân. Sở TN&MT và các ngành chức năng phải tiến hành xử lý nghiêm ngặt.  TP cùng sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy trong việc nghiên cứu tìm thêm chủ đầu tư để xây dựng các công trình giải quyết môi trường cho TP.