Cảnh giác với bệnh sốt mò

Chỉ riêng thời điểm mùa hè năm 2007, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia đã tiếp nhận khoảng 15 trường hợp bị bệnh sốt mò, trong đó gần 10 trường hợp lâm vào tình trạng nguy kịch.

Khi được chuyển tới Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, chị Lê Thị S., 36 tuổi, ở Hà Giang, đã trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp, tụt huyết áp… Ngay sau đó, bệnh nhân được lọc máu liên tục trong vòng hơn 1 tuần, đồng thời tiến hành đặt ống nội khí quản để tránh tụt huyết áp. Tiến hành các xét nghiệm huyết thanh và phân lập mầm bệnh, các bác sĩ đã phát hiện chị Lê Thị S. bị bệnh sốt mò. Sau 1 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh thường gặp sau những đợt cắm trại
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Khoa Điều trị Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, sốt mò (còn gọi là sốt ve) là bệnh thường lây từ súc vật sang người qua trung gian là ấu trùng mò. Khi đẻ trứng, trứng mò nở dưới đất bùn thành ấu trùng bò lên ngọn cỏ, bám vào người và động vật để hút máu và truyền bệnh. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Rickettsia orientalis sống trong cơ thể con mò. Mùa mưa là thời điểm ấu trùng mò phát triển nhiều, chúng thường sống ở những nơi có nhiều bụi cỏ, cây mọc lúp xúp….
Bệnh thường thấy ở những người làm ruộng, làm rừng, khai hoang, săn bắt… và người đi du lịch. Ký sinh trùng có thể tồn tại trong cơ thể đến 16 tháng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh. Sốt mò có diễn biến lâm sàng rất phức tạp bởi các biến chứng nội tạng như suy tim, tổn thương gan, thận, não. Người bệnh sẽ lên cơn rét run và sốt cao 39oC – 40oC kéo dài 1- 2 tuần kèm theo triệu chứng như đau đầu, nhức mỏi toàn thân và trên vùng da bị ấu trùng đốt chích xuất hiện các nốt sần, ở giữa có mọng nước nhỏ, sau đó xuất hiện các hạch nhỏ, khi sờ có cảm giác đau và cứng. Nếu phát hiện sớm bệnh sẽ được điều trị khỏi nhanh, nhưng ở giai đoạn muộn bệnh nhân rất dễ tử vong. Theo các bác sĩ, khi chưa có sự xuất hiện của thuốc kháng sinh, bệnh có tỉ lệ tử vong cao, từ 10% – 20%.
Bệnh nguy hiểm, khó chẩn đoán
Mặc dù không lây truyền trực tiếp từ người sang người, nhưng sốt mò được giới chuyên môn cho rằng đây là bệnh rất nguy hiểm. Nguy hiểm hơn khi các cán bộ y tế không nắm được cách thức chẩn đoán dẫn đến điều trị sai khiến cho bệnh trầm trọng hơn. Theo bác sĩ Thái, ấu trùng mò thường đốt ở vùng da mỏng, kín đáo như: nách, đùi, cổ, rốn, gáy, ngực, hậu môn và xung quanh bộ phận sinh dục. Vết loét không đau rát, không ngứa nên bệnh nhân thường không để ý. Bệnh sốt mò có các triệu chứng gần giống như cảm cúm, sốt phát ban, sốt xuất huyết nên thường bị chẩn đoán và điều trị sai.
Bác sĩ Thái cho biết, thời gian vừa qua, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia đã chuyển sang các biến chứng nguy hiểm như: suy thận, gan, tim, viêm phổi, viêm não, xuất huyết, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn ý thức, một số hôn mê… Chỉ riêng đầu năm 2007, trong số các trường hợp nhập viện vì sốt mò, có khoảng 10 bệnh nhân suýt mất mạng do không chẩn đoán ra bệnh.
Để phòng bệnh sốt mò, bác sĩ Thái khuyên, các gia đình nên phát quang những bụi rậm xung quanh nhà, dọn sạch cỏ dại, mùn rác. Khi lao động, đi chơi, không nên đặt túi, ba lô trên bãi cỏ hoặc ngồi nghỉ trên mặt đất. Đối với những trường hợp có những dấu hiệu sốt cao li bì, nên đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh sốt mò ngày càng phổ biến

Sốt mò là bệnh lưu hành rộng rãi ở nhiều vùng, nhiều nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ, Úc và các nước Đông Nam Á… VN nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, phần lớn cư dân sống bằng nghề nông, là điều kiện lý tưởng cho bệnh sốt mò lây lan, phát triển. Bệnh sốt mò đã được phát hiện lần đầu tiên ở VN từ năm 1915. Vài năm trở lại đây bệnh sốt mò ngày càng phổ biến. Tỉ lệ tử vong do các biến chứng của bệnh khoảng 1%.