Xây khu công nghiệp, giá phải trả rất cao

Vấn đề xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất tại một số địa phương vô tình đã đẩy nông dân vào cảnh mất đất sản xuất, dẫn tới thất nghiệp…Vậy làm thể nào để có thể hài hoà giữa sự phát triển các khu công nghiệp mà không làm ảnh hưởng tới đời sống của nông dân? TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn trao đổi xung quanh việc này.

Thưa ông, quá trình công nghiệp hoá ở ĐBSCL hiện nay liên quan gì đến việc mất đất nông nghiệp?

Phát triển công nghiệp là xu hướng tất yếu, về lâu dài sẽ có tác động tốt cho toàn bộ nền kinh tế. Trong nền kinh tế phát triển, tỷ trọng nông nghiệp, nông thôn ngày càng giảm đi và nông dân ngày càng ít đi. Một nước công nghiệp hiện đại, tỷ lệ nông nghiệp chỉ chiếm 5 – 7%.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa nhưng số lượng người dân sống ở nông thôn vẫn còn quá cao, 70% sống ở nông thôn và khoảng 60 – 70% lao động sống dựa vào nông nghiệp là chính. Đây là một xuất phát điểm rất thấp.

Các khu công nghiệp đang hướng đến là công nghệ hiện đại, tự động hoá, thu hút nhiều vốn và sử dụng ít lao động, đặc biệt rất ít sử dụng lao động thủ công. Do vậy, giá trị kinh tế có tăng nhanh nhưng không tạo ra nhiều việc làm, người lao động vẫn nằm lại nông thôn và nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của họ.

Việc lấy đất nông nghiệp ở đồng bằng Sông Hồng và ĐBSCL, đặc biệt là ở vùng đất thâm canh, tăng vụ có năng suất lúa cao, có hệ thống thuỷ lợi đầy đủ đang gây khó khăn cho nông dân tại chỗ nói riêng và cả ngành nông nghiệp nói chung.

Vậy để có thể phát triển khu công nghiệp mà không ảnh hưởng đến đời sống của nông dân thì chúng ta phải làm gì?

Có hai cách giải quyết. Thứ nhất: như một số nước công nghiệp đi trước đã làm, giai đoạn đầu phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ thu hút nhiều lao động, cách này vừa phát triển công nghiệp vừa lấy đi lao động nông nghiệp.

Diện tích đất nông nghiệp có bị thu hẹp, nhưng lao động lấy đi nhanh hơn đã không ảnh hưởng đến năng suất lao động, đặc biệt là đỡ ảnh hưởng đến đời sống của nông dân.

Cách thứ hai, tập trung phát triển khu công nghiệp, nhà máy vào những vùng đất không thâm canh nông nghiệp, nhất là vùng có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, đất đồng bằng như đất ở vùng trung du, miền núi, bãi bồi… những vùng hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp.

Tất nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tốn kém, nhưng ngược lại sẽ giảm bớt tác động xấu đến môi trường nông nghiệp và đời sống của người dân nông thôn.

Ở ĐBSCL, phần lớn các khu công nghiệp tập trung theo các dòng sông, nhưng chưa có phương án xử lý chất thải hiệu quả. Vậy theo ông, vấn đề này ảnh hưởng thế nào đến môi sinh, môi trường ở nông thôn?

Phát triển công nghiệp và đô thị mà làm mất cảnh quan, làm ô nhiễm môi trường là tình trạng hầu hết các nước phát triển trên thế giới đã phải trả giá.
Trong quá trình phát triển, những người làm chính trị, người quản lý kinh tế thường tập trung vào mục tiêu kinh tế, chạy theo con số tăng trưởng về GDP hoặc về sản lượng mà không chú ý đến các vấn đề xã hội, môi trường một cách đúng mức, để rồi cái giá phải trả nếu tính cả môi trường và xã hội vào thì lợi ích do kinh tế mang lại đôi khi là thiệt nhiều hơn lợi. Đặc biệt, cái giá đó lại để lại cho lâu dài con cái mai sau.

Có ý kiến cho rằng ĐBSCL không thuận lợi cho việc thành lập các khu công nghiệp do hạ tầng cơ sở yếu kém, không có cảng lớn, nền đất yếu … thế tại sao các khu công nghiệp vẫn tiếp tục ra đời ở địa phương này?

Thật ra, nếu nói điều kiện để phát triển công nghiệp thì có nhiều nơi còn khó khăn hơn ĐBSCL nhiều. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là không có điều kiện, mà xét theo lợi thế so sánh thì ĐBSCL là vùng đất trời cho để phát triển nông nghiệp sinh thái.

Có rất ít vùng sản xuất nông nghiệp trên thế giới có lợi thế mạnh như ĐBSCL, các nhà khoa học trên thế giới cho rằng ĐBSCL là vùng đất có lợi thế vào bậc nhất trên thế giới về sản xuất lúa nước, là hệ thống sinh thái hết sức tốt cho nền nông nghiệp mở rộng.

Trong khi đó, xét về phát triển công nghiệp thì ĐBSCL kém lợi thế hơn nhiều so với nhiều vùng khác trong nước. Tất nhiên, đó là cách đặt vấn đề thuần túy kinh tế.

Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa, chúng ta không được để mất thế mạnh nông, lâm, ngư nghiệp tốt nhất của ĐBSCL mà nhiều nơi trên thế giới nằm mơ cũng không có được.

Vậy sự ra đời hàng loạt khu công nghiệp đã ảnh hưởng thế nào đến đời sống của nông dân?

Theo ước tính, trong 5 năm qua, Việt Nam xây dựng khu công nghiệp đã lấy đi khoảng 360.000 ha, trong đó 89% là đất nông nghiệp thâm canh, còn 11% là đất thổ cư.

Theo ước tính của những ngành chuyên môn, 5 năm tới, tốc độ mất đất sẽ tăng lên gấp đôi. Chủ trương, chính sách của Nhà nước có bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư… cho bà con được áp dụng, nhưng có nơi làm tốt, có nơi không.

Nhìn chung, người dân không phấn khởi, vì sau khi bị lấy đất làm khu đô thị, khu công nghiệp… đời sống của họ đều không tốt hơn.

Trong quan niệm kinh tế có lý thuyết gọi là chữ V ngược, giai đoạn đầu của ý định trong tiến trình công nghiệp hóa sẽ có phần lớn người dân phải chịu thiệt thòi sau khi các khu công nghiệp phát triển sẽ bù đắp trở lại. Đây là lý thuyết đã được nhiều quốc gia áp dụng, đấy là cái lý của quá trình này.

Nhưng câu chuyện mà chúng ta muốn nói ở đây là liệu có con đường nào khác tốt hơn không, đây mới là cái phải bàn. Tôi nghĩ trong quá trình phát triển các khu công nghiệp ở ĐBSCL, chính quyền địa phương phải nghiên cứu cẩn thận chứ không nên làm ồ ạt.