Nhức nhối vấn đề ô nhiễm kênh, rạch ở TP.HCM

Thời gian qua, Thành ủy, UBND TP.HCM đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, xem xét toàn diện việc lấn chiếm kênh, rạch. Sở TN&MT cũng đang ráo riết thanh, kiểm tra các đơn vị, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trực tiếp đến hệ thống dẫn nước này. Nhưng tình trạng ô nhiễm kênh rạch vẫn chưa được đẩy lùi.

Trái khoáy
“Trong tiến trình chỉnh trang đô thị, đô thị hóa ngoại thành, đã có một số lượng rất lớn các hộ dân sinh sống cặp 2 bên các con kênh, rạch bị giải tỏa. Đúng ra, số lượng rác rến đổ xuống đây phải giảm. Nhưng thực tế thì ngược lại. Thật trái khoáy!”. Nhận xét trên của một Cán bộ môi trường ở quận Bình Tân phản ánh đúng thực trạng kênh rạch tại TP.HCM.
Trong khu vực nội thành có rất nhiều kênh, rạch ô nhiễm rất nặng do bị thu hẹp dòng chảy như rạch Cầu Sơn, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), rạch Bà Miên (quận Gò Vấp)… Còn ở khu vực ngoại thành và vùng ven, hầu hết các con kênh ở xã Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), các con kênh ở quận 7, quận 8…  giờ chỉ còn là những con mương dẫn nước đen ngòm. Hơn nữa, có nhiều ngày rác rưới chảy đầy dòng, váng dầu mỡ phủ kín…
Chỉ cần nhìn bằng mắt thường, mỗi người trong chúng ta đều có thể đoán được mức độ “trong lành” của các con kênh, rạch trên địa bàn thành phố đang ngày một giảm thê thảm.
“Kênh rạch hứng hết!”
Anh N., vốn làm công việc chỉnh trang đô thị ở Cần Thơ, vừa mới lên TP.HCM thuê nhà trọ học, gần với dòng Nhiêu Lộc – Thị Nghè kêu ca: Lề đường được đầu tư xây dựng cho rộng, cho đẹp, vậy mà người đi bộ cứ phải xuống lòng đường mà đi. Vì thiên hạ đã chiếm dụng bán đồ nhậu, bán quán ăn cả rồi. Ăn nhậu đó, buôn bán đó, vậy là cứ thế “tè”, cứ thế ói mửa thoải mái. Rác rến, thức ăn hư, thừa cứ đẩy xuống kênh. Kênh, rạch gánh hết, hứng hết…
Thật ra, chuyện những con kênh, con rạch ở thành phố đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không phải là chuyện mới, mà là vấn đề “quá xưa”. Thế nhưng, vẫn chưa thấy mấy chuyển biến trong việc khắc phục. Cho nên dù là chuyện cũ nhưng nó vẫn đang rất nóng sốt, rất bức thiết.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ô nhiễm các con kênh, rạch. Tuy nhiên, một số nguyên nhân “nhãn tiền” mà ai cũng thấy đó là, trong quá trình chỉnh trang đô thị, ở một số địa phương hay đơn vị thi công đã không nạo vét hết số đất đá đã đổ ra phía lòng kênh, rạch trong những lúc xây kè. Chính tại những điểm này, lòng kênh, rạch cạn hơn so với những chỗ khác dẫn đến việc tích tụ rác thải, cản trở dòng chảy. Hay như nguyên nhân ô nhiễm từ những quán xá mọc lên 2 bênh bờ kè như ông bạn tôi đã nói ở trên.
Cần lắm một đội đặc nhiệm
Theo tìm hiểu, Cục Cảnh sát Môi trường (CSMT), trực thuộc Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an vừa mới được thành lập, nhưng với chỉ hơn 100 quân số. Thêm vào đó, đối với hoạt động của Cục CSMT, những qui định hiện nay chưa có “lối đi” cụ thể. Chẳng hạn, trong xử vi phạm hành chính cũng chưa có qui định thẩm quyền xử phạt cho CSMT. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
Theo anh N.đề xuất thì “để có lại những “con kênh xanh xanh”, chúng ta phải giảm thiểu và tiến tới “xóa sạch” ý thức “kênh rạch hứng hết” của người dân. Do đó, cần phải nhanh chóng xây dựng một qui chế bảo vệ môi trường rõ ràng, mang đúng nhãn hiệu “made in Việt Nam”. Theo đó, trước tiên chúng ta cần và gấp rút thành lập một đội “đặc nhiệm” đủ mạnh, có thực quyền để xử lý cương quyết  bất cứ hành vi nào gây ô nhiễm, xâm hại đến kênh, rạch. Và chỉ có như vậy, mới mong chuyện ô nhiễm kênh, rạch trở thành chuyện xưa.