Trồng rau siêu tốc bằng thuốc tăng trưởng

Từ nhiều năm nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) liên tục được các cơ quan chức năng cảnh báo. Thế nhưng, đến nay, hầu hết các loại thực phẩm từ tươi sống đến chế biến ở các chợ, cửa hàng, siêu thị… đều nhiễm “độc”. Vụ “nước tương đen” mới đây đã thật sự đẩy vấn đề VSATTP lên đỉnh điểm. Và thay vì 7 ngày cắt rau một lần, người trồng đã dùng thuốc tăng trưởng cực mạnh để rút ngắn thời gian thu hoạch xuống chỉ còn 2 ngày. Nhìn những cọng rau muống tươi ngon đang được bày bán ở các chợ tại TPHCM hẳn người tiêu dùng chẳng thể nào biết rằng nhiều bó rau đã được trồng và thu hoạch bằng công nghệ “siêu tốc”.

Mọc nhanh như thổi
Không ít người dân sống ở quận 12, TP.HCM tẩy chay những loại rau xanh vốn không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày. Đó là rau muống, rau cần, rau cải, rau mồng tơi, rau ngót, rau đay, rau dền, rau thơm… Bởi hơn ai hết, họ hằng ngày tận mắt chứng kiến các hộ trồng rau rút ngắn tối đa thời gian thu hoạch để thu lợi nhuận nhanh chóng. Theo lời anh Nhân, nhà ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM, nói: Vào lúc nửa đêm, người ta thường xịt thuốc lên rau.
Ruộng rau bên cạnh nhà anh Nhân rộng khoảng 5 ha, được một gia đình từ Bắc Giang vào thuê với giá 1 triệu đồng/ha/tháng. Anh cho biết: “Những người láng giềng như chúng tôi muốn ăn bao nhiêu thì hái tùy thích, nhưng phải hái rau trước lúc xịt thuốc và hái đám rau mọc sát bờ, nơi mà thuốc không phun tới được; còn rau bên trong này, thú thật với chị, cho tiền chúng tôi cũng chẳng dám ăn vì sợ bệnh”.
23 giờ là thời điểm người trồng rau bắt đầu hành động. Hai vợ chồng anh B (chủ ruộng) và 3 người giúp việc chuẩn bị cắt rau. Chiếc đèn sạc bình được bật lên, ánh sáng làm lộ lên cả đám rau mới được xịt thuốc hai hôm trước, giờ đã vươn cọng cao cỡ 3 tấc, cọng nào cọng nấy xanh mướt, non mơn mởn. Sau khi cắt rau xong, vợ chồng B. bắt đầu pha thuốc. Hai gói phân bón Toponsu được pha trong thùng cỡ 20 lít nước và một gói bột trắng sền sệt khuấy đều, rồi trút vào bình xịt. B. bật mí: “Toponsu là phân bón chất lượng cao, chỉ có tác dụng giữ cho gốc rau có thêm chất dinh dưỡng ổn định, còn muốn cho tăng trưởng nhanh thì chỉ cần hòa thêm vào đây nửa ký thuốc tăng trưởng của Trung Quốc là rau “lớn như thổi”.
B cho biêt: Thuốc này mua tại chợ Kim Biên, giá rẻ nhưng là loại tăng trưởng cực mạnh. Chắc là có hại thì mới mạnh như vậy, nhưng để không bị “tóm”, người ta lột bao bì ra hết. B cũng chẳng biết tên nó là gì. Mới chừng 30 phút mà ruộng rau đã cắt được khoảng 1/5. Lúc này B. mới đeo bình xịt lên vai và phun thuốc. Thuốc bay ra cay sè sống mũi, xông lên một mùi hôi nồng nặc hệt như thuốc trừ sâu.
Cắt đến đâu, xịt thuốc đến đó
Bình thường, để thu hoạch một lứa rau, phải đợi đến một tuần nếu là mùa mưa, còn mùa nắng thì phải tròm trèm 10 ngày. Vợ B. nói: “Tụi tôi vào đây mướn ruộng, mướn nhân công, mua thuốc, mua phân, đủ các loại tiền phải trả mà chờ như thế thì không có lời. Vả lại, rau mình không xanh, không bóng thì thương lái họ cũng chẳng thèm mua. Vì vậy, không riêng gì ruộng nhà tôi, ruộng rau nào họ cũng làm vậy cả. Cứ 2 ngày cắt rau một lần, rau cắt đến đâu thì xịt thuốc ngay đến đấy. Hôm nay tôi cắt, sáng mai chị xem rau đã vươn lên cả tấc và chỉ qua ngày sau là dài đủ độ cắt”.
Để phân biệt được rau sạch với rau phun thuốc, vợ B. cho biết: “Rau không thuốc thì cọng không đều nhau và già, khi luộc rau thường bị đỏ, có vị chát. Còn rau tụi tôi (rau có thuốc tăng trưởng) thì luộc nước trong veo, cọng rau đều và rất mềm, xanh rì, ăn ngon hơn. Chính vì vậy, chẳng ai đi chợ lại tìm mua rau già, “xấu xí”, không đều cọng cả. Ai cũng muốn chọn rau non, trắng, cọng to đều. Tất cả những ưu điểm này là do thuốc mà có”.
Không chỉ riêng phường Thạnh Lộc cung cấp rau muống mà các phường khác như An Phú Đông, An Nhơn Tây, Thạnh Xuân… cũng đều trồng các loại rau khác theo một “công nghệ” rút ngắn như thế. Và những người tiêu dùng thân quen với đĩa rau xanh trên mâm cơm hằng ngày lắm khi đã ăn phải một loại hóa chất cực độc…

Theo kết quả điều tra về VSATTP của Cục Bảo vệ Thực vật, ở các loại rau tươi: số mẫu rau, quả tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 30% – 60%. Một số thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng như Metamidophos vẫn còn dư lượng trong rau. Đây là một trong 16 loại thuốc bảo vệ thực vật mà Bộ Y tế VN cấm lưu hành từ năm 1997.
                                                                                                                 Nh.Phương