Bãi rác phát điện

Hơn 17 ha bãi rác Gò Cát (TP HCM) từ khi áp dụng công nghệ và vận hành đã sinh ra hàng triệu KW điện hòa vào mạng lưới quốc gia. Với công nghệ chôn lấp, ủ kín và thu hồi khí gas này, rác thải sinh hoạt sẽ không còn là chất bỏ đi, là vấn nạn môi trường mà trở thành tiền, có tiềm năng kinh tế.

Mỗi ngày, bãi rác Gò Cát tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt của TP HCM. Toàn bộ bãi rác rộng 17,5 ha được chia làm 5 ô, mỗi ô sâu hơn 7m, có lót vật liệu chống thấm HDPE với độ bền hơn 50 năm và không ảnh hưởng tới môi trường.

Phần lớn rác thải vẫn được chôn lấp sơ sài, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các bãi rác đã quá tải bởi lượng rác thải tập kết quá lớn. Đã có nơi cảnh báo nguy cơ hết quỹ đất cho chôn lấp rác.

Khi hố rác đã cao khoảng 2-3 mét, các ô được phủ kín bằng tấm chống thấm HDPE được hàn nối với các tấm lót đáy, phía trên bãi rác sẽ được đổ đất để trồng cỏ hoặc cây xanh. Rác được ủ trong các ô bao kín này sẽ lên men, phân huỷ và sinh ra khí gas.
 
Khí gas được thu gom bằng hệ thống các giếng thu đứng và dẫn về trạm thu gas, rồi qua công đoạn tách nước. Gas sạch thu được sẽ được dẫn đến máy chiết xuất và máy thổi khí nén trước khi được bơm vào hệ thống động cơ nổ để chạy máy phát điện. 
 
Với tổng công suất điện thu được là hơn 2.430 kW/h, dự kiến mỗi năm, bãi rác Gò Cát sẽ thu lợi khoảng 13 tỷ đồng từ điện rác thải.
 
Theo Ban quản lý, sắp tới công trường xử lý Gò Cát sẽ ngừng tiếp nhận rác bởi bãi chôn lấp đã được sử dụng hết công suất. Tuy nhiên, bộ phận làm gas điện vẫn hoạt động bình thường trong khoảng 10 năm nữa.
 
Dự kiến, khi rác phân hủy hoàn toàn sẽ được dùng để chế biến phân bón. Rác thải sinh hoạt của thành phố sẽ được đưa sang bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) có diện tích 660 ha. Ở đây, rác cũng sẽ được chôn lấp để thu gas điện như ở Gò Cát.
 
Hiệu quả cao hơn nếu rác được phân loại tại nguồn
 
Anh Bùi Trung Việt – cán bộ Trạm gas điện và xử lý nước Gò Cát cho biết, do thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu là chất hữu cơ nên phát sinh nhiều khí gas. Tuy nhiên, lượng gas sẽ cao hơn nếu rác được phân loại tại nguồn. Việc này không chỉ giúp giảm diện tích đất dành cho chôn lấp mà còn tăng hiệu quả trong quá trình tái chế làm phân bón.