Dịch bệnh – thách thức lớn trong chăn nuôi

ThienNhien.Net – Mặc dù đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc phòng trừ và khống chế dịch bệnh, nhưng các loại dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, tai xanh vẫn liên tiếp xảy ra trên đàn gia súc gia cầm, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi. Thêm vào đó, tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, không triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống của người dân và chính quyền địa phương vẫn phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tiếp tục lây lan.

Đối với dịch lở mồm mong móng, dịch xảy ra trên quy mô rộng vào tháng 12/2010, cao điểm nhất có tới trên 98 ổ dịch và tháng 11/2010 là 56 ổ dịch xuất hiện trong tháng. Từ đầu năm 2011 đến nay, dịch xảy ra nặng ở các tỉnh Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang, Tuyên Quang và Kon Tum.

Như vậy, tính đến nay cả nước còn 18 tỉnh là Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An và Lào Cai có dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

Riêng đối với dịch cúm gia cầm, những tháng cuối năm 2010 dịch đã được khống chế nhưng sau Tết Tân Mão, dịch lại bắt đầu tái phát. Mới nhất là tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1.

Chấn chỉnh phương thức chăn nuôi

Tại Hội nghị Toàn quốc về Phát triển chăn nuôi và thú y mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, ngành Trồng trọt nước ta đã có những bước tiến được thế giới ghi nhận, có 5 mặt hàng đứng ở top 10 của thế giới; ngành Thủy sản cũng là một trong 10 nước xuất khẩu lớn của thế giới; ngành Lâm nghiệp cũng đang trở thành xưởng mộc của thế giới, còn đối với ngành Chăn nuôi sẽ không thể phát triển được nếu để dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn tiếp diễn như vậy.

Bộ trưởng Cao Đức Phát lo ngại: “Nếu chúng ta không chấn chỉnh khi ngành Chăn nuôi mở cửa hội nhập thì sẽ không thể phát triển được. Đây là những thách thức có thật. Muốn phát triển chăn nuôi thì cần kiềm chế dịch bệnh. Chúng ta phải chuyển từ thế bị động sang chủ động phòng tránh, công khai và không giấu dịch. Cục Thú y cần rà soát và giám sát chặt chẽ, xử lý kiên quyết những ổ dịch. Thà tiêu hủy và đền bù 1 ổ dịch còn hơn để nó lây lan ra diện rộng”.

Trong khi Mỹ và các quốc gia châu Âu phát triển chăn nuôi công nghiệp từ lâu thì Việt Nam vẫn còn tồn tại kiểu chăn nuôi “vịt chạy đồng, gà ngủ trên cây”. Tuy chất lượng thịt cao, nhưng năng suất khó có thể cải thiện được, đồng thời dịch bệnh sẽ dễ lây lan.

Do đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, trước hết phải chấn chỉnh lại phương thức chăn nuôi, không để những tồn tại lớn, phải thực hiện triệt để 3 chống: chống thả rông, chống ô nhiễm, chống giết mổ tràn lan, để chuyển sang nền chăn nuôi hiện đại, nếu nuôi lớn thì theo kiểu công nghiệp, nuôi nhỏ thì trên cơ sở khoa học và giết mổ tập trung.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hy vọng đến năm 2015 sẽ đưa ngành Chăn nuôi trở thành ngành xuất khẩu, phát triển bền vững và có thể cạnh tranh với quốc tế.

Ngành Thú y đặt ra những nhiệm vụ cụ thể cho năm 2011:
Không để cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh xảy ra ổ dịch lớn. Khống chế dịch lở mồm long móng trong tháng 04/2011.
Khi có ổ dịch, trong phạm vi 3 ngày đối với vùng đồng bằng và 5 ngày đối với vùng núi tính từ ngày có ca bệnh đầu tiên, ổ dịch phải được phát hiện, báo cáo cho các cơ quan liên quan và xử lý triệt để theo quy định.
Giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y địa phương tổ chức quản lý chặt và xử lý triệt để các ổ dịch không để người dân vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh ra khỏi ổ dịch. Tổ chức kiểm dịch, kiểm soát hiệu quả việc vận chuyển gia súc, gia cầm trong nước cũng như qua biên giới, xử lý nghiêm mọi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi.