Ô nhiễm môi trường – Thách thức lớn cho phát triển bền vững ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã và đang thách thức lớn cho Việt Nam.

Theo Chương trình Nghị sự 2030, Việt Nam không chỉ thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo mà còn xây dựng các cơ chế pháp luật liên quan đến phát triển bền vững, cảnh báo sớm những nguy cơ đối với Việt Nam trong vấn đề này.

Hội thảo về phát triển bền vững tại Việt Nam

Các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo về Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 cảnh báo: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã và đang thách thức lớn cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng: Sự cố Formosa vừa xảy ra đối với các tỉnh miền trung Việt Nam là hồi chuông cảnh báo, nó là thách thức trong điều tiết, giám sát của Nhà nước đối với các doanh nghiệp.

Đại diện của UNDP nhấn mạnh: Những vấn đề phát sinh mới về biến đổi khí hậu như: Hạn hán, ngập mặn và thiếu nước tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đặt ra thách thức to lớn yêu cầu phải cải tổ hệ thống sản xuất, cơ cấu mùa vụ.

Sự cố môi trường biển do Formosa gây ra là bài học lớn cho Việt Nam (Ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Lệ Thúy, Phó Vụ trưởng Văn phòng phát triển bền vững (VPPTBV) Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), thách thức của Việt Nam hiện nay chính là môi trường và việc đánh đổi tăng trưởng lấy hệ lụy môi trường.

Trong thời đại khoa học công nghệ như hiện nay, việc đánh đổi cần phải bỏ đi, thay vào đó phải ứng dụng khoa học công nghệ vào tăng trưởng và kiểm soát tăng trưởng. Công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất, bà Thủy nêu quan điểm.

Đề cập sự cố môi trường biển do Formosa gây ra và quy hoạch ngành thép mới đây, đại diện UNDP và Bộ KH&ĐT cho rằng: Nếu tất cả các dự án công và tư của Việt Nam qua các thẩm định môi trường thật chặt chẽ, báo cáo tiền khả thi, có lợi hay có hại trước khi quyết định đầu tư, thì đảm bảo mọi dự án đều tốt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cạnh một ông lớn đang dư thừa thép như Trung Quốc, mình phải đặt vấn đề là có chấp nhận nhập khẩu thép hay làm thép để cạnh tranh hay không. Cạnh một đất nước đang cải tổ sản xuất, đào thải công nghệ, Việt Nam có chấp nhận nhập hàng giá rẻ, lại độc hại hay không. Ở đây, quan trọng là lựa chọn của chính Việt Nam.

Với 7 mục tiêu lớn với 115 mục tiêu cụ thể, Chương trình Nghị sự 2030 Phát triển bền vững Việt Nam nhấn mạnh vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia. Xây dựng cơ chế tài chính để hỗ trợ xây dựng báo cáo đánh giá tác động của phát triển bền vững. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học cộng nghệ, chuyển giao công nghệ trong doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sáng kiến thực tiễn.