Suy giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay đang suy giảm với tốc độ nhanh. Nhiều hệ sinh thái tự nhiên bị xâm phạm, giảm thiểu diện tích và chính điều này đã tác động mạnh tới tài nguyên nước, các hệ sinh thái và môi trường nhiều nơi.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, trong gần 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn nước ta giảm gần 3/4. Độ che phủ rừng năm 2005 đạt ở mức 37% diện tích tự nhiên và mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đạt ở mức 42%. Tuy nhiên, chất lượng rừng ngày càng suy giảm. Rừng tự nhiên đầu nguồn và rừng ngập mặn vẫn tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng. Rừng giàu, rừng kín, rừng nguyên sinh chỉ còn 13% và rừng tái sinh chiếm tới 55% tổng diện tích rừng.
 
Hiện nay, cả nước có 2.360 con sông, 10 lưu vực sông có diện tích hơn 10.000km2; tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm là 880 tỷ m3. Về nước ngầm, nước động thiên nhiên khoảng 50 tỷ đến 60 tỷ m3 và trữ lượng có thể khai thác khoảng 10 tỷ đến 12 tỷ m3 và hiện chỉ có khoảng 20% dự trữ nước ngầm đang được khai thác. Với sự suy giảm đa dạng sinh học nhanh như hiện nay, theo các chuyên gia về nước và môi trường thì tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô đang dần hiện hữu trong những năm tới.
 
Ngày 31/05/2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”. Những mục tiêu cụ thể đến năm 2010 gồm: củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống rừng đặc dụng (góp phần đạt tỷ lệ che phủ rừng 42 đến 43%); phục hồi 50% diện tích rừng đầu nguồn đã bị suy thoái; bảo vệ có hiệu quả các loài động vật, thực vật quý hiếm, nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng; nâng tổng diện tích các khu bảo tồn đất ngập nước và biển có tầm quan trọng quốc tế và quốc gia lên trên 1,2 triệu ha; phục hồi được 200.000 ha rừng ngập mặn… Đến năm 2020, nước ta sẽ hoàn chỉnh hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (trên cạn, đất ngập mặn và biển); phục hồi được 50% hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, nhạy cảm đã bị phá huỷ. Điều này hy vọng góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam.