Điểm nóng ô nhiễm không khí ở Hà Nội

Theo chân GS. Phạm Duy Hiển, người nhiều năm nghiên cứu về ô nhiễm không khí, chúng tôi có mặt tại một loạt điểm nóng về ô nhiễm không khí của Hà Nội, nút giao thông Giải phóng- Đại La, khu công nghiệp Hạ Đình, phố cổ…

Ô nhiễm vượt mức cho phép

Địa điểm đầu tiên dừng chân là nút giao thông Giải Phóng – Đại La.

Trời gần vào trưa, nắng, nóng và oi bức nhưng tại nút giao thông này, các phương tiện giao thông vẫn nườm nượp qua lại. Xe bus, xe máy nối đuôi nhau chạy thằng hàng dài. Không khí tại khu vực này khá ngột ngạt bởi mùi khói xe, bụi đường và cả tiếng còi xe inh ỏi.

Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cho biết, Giải Phóng- Đại La là một trong những nút giao thông có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất tại các điểm giao thông tại Hà Nội.

Theo kết quả quan trắc, nồng độ NO2ở đây rất cao vượt mức cho phép nhiều lần (Nồng độ NO2tại đoạn đường này cao hơn 60 microgram /m3(µg m-3 ) trong khi, tại Hồ Tây, nồng độ NO2chỉ có 25 µg m-3.

Nguyên nhân ô nhiễm là do lưu lượng xe cộ quá lớn, khi tắc đường, đèn đỏ, người điều khiển phương tiện giao thông không tắt máy…

Nơi thoáng cũng ô nhiễm

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là khu công nghiệp Hạ Đình. Không ngột ngạt vì bụi và khói xăng như nút giao thông Giải Phóng-Đại La, ít xe cộ hoạt động, đoạn đường này vắng hơn, thoáng hơn. Nếu nhìn thoáng qua, ít ai có thể nghĩ rằng khu vực này được liệt vào loại điểm nóng về mức độ ô nhiễm không khí.

GS Hiển cho biết, cách đây không lâu, từ 12/1-5/2/2007, các chuyên gia của Chương trình Không khí Sạch Việt Nam-Thụy Sỹ (SVCAP) có lắp đặt các thiết bị quan trắc tại số nhà 55 đường Hạ Đình để đo chất lượng không khí tại khu vực này.

Kết quả cho thấy, hàm lượng SO2là 91 µg m-3, cao nhất trong 100 điểm quan trắc. Được biết SO2đo được ở quận Tây Hồ là 20 µg m-3, ở vùng nông thôn chỉ từ 10 – 15 µg m-3.

“Hiện tại, chúng tôi cũng chưa biết được khí SO2 ở Hạ Đình nhiều là do nguyên nhân cụ thể từ đâu. Chỉ biết rằng tại đây, các nhà máy Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, v.v…, đều sử dụng năng lượng là than. Đã thế, than lại không đạt chất lương”, GS Hiển nói, “Ngoàn ra, dân cư ở khu vực này cũng đun nấu bằng than khá nhiều”.

Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Dự án Chương trình Không khí Sạch Việt Nam-Thụy Sỹ (SVCAP), đã tổ chức một chuyến thực tế cho các nhà báo viết về môi trường tới các đểm nóng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Các điểm nóng bao gồm như nút giao thông Giải phóng – Đại La, khu Công nghiệp Hạ Đình, khu phố cổ và Trạm Khí tượng Láng, Đài Khí tượng Thuỷ văn Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Ông Nguyễn Văn Quý, chủ ngôi nhà số 55, đường Hạ Đình, cho biết, vào buổi chiều mọi người trong gia đình thường cảm thấy tức ngực, khó thở do bụi than từ các nhà máy thuốc lá, nhà máy Phích nước Rạng Đông…, thải ra. Tuy nhiên, ông Quý vẫn lạc quan: “Chúng tôi cũng biết là khu vực này ô nhiễm. Bao nhiêu nhà máy. Có điều lâu dần cũng thành quen”.
Tạm biệt khu “Cao – Xà – Lá” Hạ Đình, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình tới nút giao thông Hàng Gai – Lương Văn Can, một nơi khá yên tĩnh, thoáng đãng, nhiều cây xanh, bóng mát.

Tuy nhiên, chúng tôi khá ngạc nhiên khi biết các kết qua đo đạc của SVCAP cho thấy, khu vực này dẫn đầu ô nhiễm về khí NO2(75 µg m-3) cao nhất trong tám quận nội thành.

“Lẽ ra càng xa các trục giao thông, hàm lượng N02 càng giảm đi. Nhưng trong khu phố cổ có mật độ dân cư dày, hoạt động buôn bán sầm uất, cộng thêm với phố xá chật hẹp, các chất ô nhiễm khó phát tán”, GS Hiển lý giải.

Nhận định về tình hình ô nhiễm của Hà Nội GS Hiển cho biết: “Không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nặng. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm biến đổi theo ngày, tháng và từ khu phố này sang khu phố khác. Nhiệm vụ của khoa học là phải nắm vững những quy luật biến động dựa trên kết quả quan trắc chính xác, từ đó đi đến những dự báo và khuyến cáo nhằm giảm thiểu ô nhiễm một cách thiết thực và hiệu quả.”

Cũng trong chuyến đi thực tế, chúng tôi còn ghé thăm Trạm Khí tượng Láng, Trung Tâm Khí Tượng Quốc Gia – Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài hai thiết bị đo bụi của Viện Năng lượng Nguyên tử đặt tại đây từ năm 1998, năm 2002, đơn vị này được trang bị một một máy đo chất lượng không khí hiện đại. Máy đo này sẽ đo và tự động cho kết quả của nhiều yếu tố như CO2 NO2 PM10, v.v…

Được biết, theo kết quả quan trắc đáng tin cậy nhất những năm gần đây tại Trạm Khí tượng Láng, hàm lượng bụi khí vượt tiêu chuẩn quy định ở mức 50 microgram/m3 .