Cao Bằng: Rừng phòng hộ bị xóa sổ vì quyết định khó hiểu của tỉnh!

ThienNhien.Net – Mặc dù, từ đầu năm đến nay, Cao Bằng mới trồng được 90 ha rừng phòng hộ, trong khi đó, khoảng hơn 200ha rừng phòng hộ tại khu vực Tài Soỏng, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình đang đứng trước nguy cơ xoá sổ hoàn toàn bởi những quyết định khó hiểu của UBND tỉnh Cao Bằng.

Ngày 17/07/2008, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra Quyết định số 1246/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch, xây dựng khu Phjia Oắc, Phjia Đén thành khu du lịch sinh thái. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đến ngày 02/07/2009, cũng chính UBND tỉnh Cao Bằng lại ra Quyết định 1403/QĐ và 1404/QĐ cho phép Hợp tác xã Chiến Công được khai thác quặng thiếc, vonfram và Công ty cổ phần khoáng sản công nghiệp Cao Bằng được khai thác quặng sắt, mangan tại mỏ Tài Soỏng, xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).

Như vậy, các quyết định này hoàn toàn trái ngược nhau vì khu Tài Soỏng nằm trong phạm vi quy hoạch khu du lịch sinh thái mà tỉnh đã phê duyệt. Việc UBND tỉnh Cao Bằng cho phép khai thác khoáng sản tại khu vực này không chỉ phá vỡ cảnh quan môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng trăm ha rừng phòng hộ ở thượng nguồn sông Năng, nơi cung cấp nước cho hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn.

Ông Hoàng Xuân Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh cho biết: Trước khi ra quyết định cho phép 2 doanh nghiệp này khai thác khoáng sản, xã không hề thấy cán bộ của Sở Tài Nguyên và Môi trường đo đạc khảo sát, chỉ có duy nhất một đoàn là người của doanh nghiệp Chiến Công đến xin phép xã để khảo sát. Như vậy, có thể thấy cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng là Sở Tài nguyên và Môi trường không hề có sự thăm dò, khảo sát tại thực địa để đánh giá trữ lượng khoáng sản mà hoàn toàn khảo sát trên giấy.

Cũng theo ông Chỉnh, mặc dù không hề có sự khảo sát, đánh giá trữ lượng nhưng trong hai Quyết định cấp phép vẫn ghi là 1.435 tấn thiếc, 35 tấn vonfram và 70.000 tấn sắt. Không hiểu UBND tỉnh Cao Bằng lấy căn cứ nào để đưa ra con số đó?. Hơn nữa, trữ lượng như vậy là quá nhỏ không đáng để đánh đổi lấy hơn 200 ha rừng phòng hộ mà phải mất nhiều năm mới có được!.

Với đặc điểm địa chất ở đây chủ yếu là núi đá, rừng phòng hộ là hoàn toàn do thiên nhiên ban tặng, con người chỉ làm nhiện vụ khoanh nuôi bảo vệ chống chặt phá, nếu để mất đi không bao giờ có thể trồng lại được. Thiết nghĩ cấp có thẩm quyền ở Cao Bằng cần xem xét lại để sớm thu hồi 2 Quyết định liên quan đến cho phép khai thác khoáng sản với trữ lượng quá nhỏ dẫn đến xoá sổ hơn 200 ha rừng phòng hộ thượng nguồn hồ Ba Bể.