Hồ Tây: Nguy cơ là thủy vực “chết”

ThienNhien.Net – Mặc dù, được xác định là “lá phổi xanh” của thành phố, nhưng với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, với các loại hình kinh doanh buôn bán đa dạng… Hồ Tây đang đứng trước nguy cơ chỉ còn là một thủy vực chết, một ao lớn nuôi cá hoặc là một bể chứa nước cỡ lớn chống úng trong vài chục năm nữa.

Theo Ban Quản lý Hồ Tây và số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu trên, có hơn 200 tổ chức, đơn vị, cá nhân hoạt động kinh doanh xung quanh Hồ Tây (kể cả trên bờ ven hồ và mặt nước).

Đổ tro vàng mã, túi nilon gây ô nhiễm môi trường hồ Tây (Ảnh chụp tại đường ven Hồ Tây - Văn Cao: Mai Thanh/Diễn đàn Doanh nghiệp)
Đổ tro vàng mã, túi nilon gây ô nhiễm môi trường hồ Tây (Ảnh chụp tại đường ven Hồ Tây – Văn Cao: Mai Thanh/Diễn đàn Doanh nghiệp)

Những nguy cơ hiện hữu

Theo quan sát của phóng viên Báo DĐDN, đoạn từ đầu đường Thanh Niên tới sau Trường PTTH Chu Văn An, mặt nước nhiều nơi đen đặc, loang lổ dầu và rác. Từng mảng rác đọng kết dính sát mặt kè bờ hồ. Mùi hôi thối cũng vì thế bốc lên. Một số người dân tập thể dục quanh đây cho biết, ngày nào cũng vậy, nước rửa (có lẽ là vệ sinh du thuyền) đổ thẳng xuống mặt hồ. Nhiều thuyền có hệ thống ống xả, thỉnh thoảng phụt ra những thứ nước nhờ nhờ, bẩn thỉu. Mặt nước biến màu, cô đặc rác, trong đó, không ít từ những nhà hàng du thuyền gây nên.

GS TS khoa học, Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cho biết, diễn biến các thông số ô nhiễm môi trường nước Hồ Tây thực tế trong 25 năm qua cho thấy, đối với Hồ Tây hiện còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ. Ở trong khu bán đảo Tây Hồ và ở ngay trên mặt nước hồ chưa được xử lý triệt để nên môi trường nước gần bờ Hồ Tây còn  bị ô nhiễm nặng, hàm lượng các chất ô hiễm nước gần bờ gấp khoảng 2 lần so với nước ở giữa hồ- GS Đăng chia sẻ.

Giải pháp nào?

Hồ Tây hiện còn tồn tại nhiều nguồn thải nước ô nhiễm từ các cửa hàng ăn uống, các khách sạn và các công trình dịch vụ nằm ở khu vực sát bờ hồ.

Các nhà khoa học cho rằng, đối với Hồ Tây, cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống cống vòng xung quanh hồ để thu gom và ngăn ngừa 100% nước thải không cho chảy vào hồ thì nước các hồ mới nhanh chóng phục hồi thành môi trường nước trong sạch như những năm 60 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, còn cần đến những biện pháp sinh học để bảo tồn đa dạng các loài sinh vật của Hồ Tây.

Th.S Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường – Cộng đồng cho biết, Hồ Tây có nhiều cơ hội thuận lợi để bảo tồn hệ sinh thái. Với diện tích đủ rộng, hồ có khả năng tự phục hồi dễ hơn nhiều so với các hồ nhỏ, nhất là sau những lần mưa. Nếu được liên thông trở lại với sông Hồng như tự thuở nào, cộng với một ban quản lý hồ hoạt động hiệu quả, định kỳ nạo vét bùn lắng, vớt rác thải, xử lý nước thải trước khi đổ vào hồ,… Hồ Tây chắc chắn sẽ có cơ hội sống.

Chia sẻ với DĐDN, đại diện lãnh đạo UBND Quận Tây Hồ cho biết, hiện UBND quận Tây Hồ đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm xử lý, di chuyển các tàu thuyền tại khu vực số 4 Thụy Khuê về khu vực đầm Bảy, phường Nhật Tân (phù hợp với quy hoạch A6 đã được phê duyệt). Đối với 2 tàu chưa có chủ nhân nhận, thời gian tới, tổ công tác của quận tiếp tục có thông báo truy tìm, nếu không tìm được sẽ kéo về đầm Bảy. Quận Tây Hồ sẽ tăng cường các biện pháp giám sát việc xả thải, không để ô nhiễm môi trường như thời gian vừa qua- vị đại diện này chia sẻ.

Hy vọng, với những động thái vào cuộc kịp thời, của cơ quan quản lý nhà nước, thì những vẻ đẹp của Hồ Tây sẽ được trả lại nguyên vẹn và giữ mãi là “lá phổi xanh” của phố kinh kỳ.