Cà Mau: Nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm

Cà Mau có 5 tầng nước ngầm với độ sâu từ 0 đến 250 m. Hiện tại, tầng nước ngầm có độ sâu từ 0 – 40 m đã bị nhiễm mặn. Trong khi người dân thường khai thác nguồn nước ngầm có độ sâu từ 80-150 m để lấy nước sinh hoạt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường khai thác nước ngầm ở độ sâu từ 220 -250 m để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát 10 năm qua cho thấy mực nước ngầm ở Cà Mau đã sụt gần 10m.

Việc khai thác sử dụng bừa bãi nguồn nước ngầm đã dẫn đến hiện tượng ô nhiễm, có nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Hiện nay, lượng nước thải sinh hoạt đô thị trong toàn tỉnh khoảng 20.000 m3/ngày đêm. Nước thải từ các nhà máy chế biến thủy sản phần lớn chưa được xử lý, cộng với một khối lượng rác khá lớn từ các chợ nổi, nhà ở ven sông thải trực tiếp xuống sông và kênh rạch, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước ngầm. Nhiều vùng nông thôn vẫn chưa có hệ thống cấp nước tập trung. Việc khoan giếng nước ngầm lấy nước sinh hoạt chưa được quy hoạch, một số giếng nước hư hỏng lâu năm chưa được xử lý cũng là những nguyên nhân dẫn đến suy thoái và ô nhiễm nguồn nước ngầm.

“Cà Mau hiện có khoảng 3.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, 23 cơ sở chế biến thủy sản, 03 cơ sở chế biến đầu vỏ tôm, 02 cơ sở chế biến chả cá, 04 cơ sở chế biến bột cá. Nếu tất cả chất thảI của các cơ sở sản xuất này không qua xử lý mà vẫn thải ra sẽ gây ô nhiễm rất lớn đối với nguồn nước mặt và nước ngầm của tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Cầm, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản, Khí tượng & Thuỷ văn cho biết.

Để kiểm soát tình trạng này, thời gian qua Sở TN&MT đã liên tục thanh tra kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước đối với 250 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn tỉnh, trong đó xử phạt hành chính 20 cơ sở vi phạm về môi trường, 09 cơ sở vi phạm khai thác nước ngầm…

Tính đến thời điểm này, Sở đã cấp phép cho trên 100 cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực khai thác nguồn nước ngầm. Đối với các cơ sở sản xuất lớn, tỷ lệ cấp phép khai thác nguồn nước ngầm đạt tới trên 70%, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, nằm rải rác và manh mún ở các vùng sâu, vùng xa do còn thiếu lực lượng nên chưa thể kiểm soát và cấp phép được. Ông Nguyễn Hữu Cầm cho biết thêm, đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tỉnh đã kiên quyết bắt buộc phải di dời ra khỏi khu vực nội đô. Đối với các dự án mới, bắt buộc doanh nghiệp phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường và đầu tư dây chuyền xử lý nước thải tại nguồn mới được cấp phép hoạt động.

“Cần phải thay đổi cách suy nghĩ và đánh giá về tài nguyên nước ở Cà Mau” – Giám đốc Sở Tống Lê Thắng nhấn mạnh: “Không nên coi nước mặt ở Cà Mau bị nhiễm mặn là không thể sử dụng được”. Các cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu, dịch vụ sửa chữa máy nổ , các cơ sở nuôi trồng thủy sản vẫn hồn nhiên xả các loại chất xử lý ao đầm, sên vét bùn, thuốc thú ý trị bệnh tôm, hoặc tôm chết… thẳng ra sông và kênh rạch vì nghiễm nhiên coi nguồn nước mặt nhiễm mặn là không thể sử dụng được.

Ông Thắng cho biết, Sở TN&MT đã lập dự án “Đánh giá hiện trạng khai thác và lập Quy hoạch sử dụng nước dưới đất đến năm 2020 trên địa bàn Cà Mau”. UBND tỉnh đã tổ chức thực hiện Đề án Quản lý nước ngầm trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong năm 2007.

Liên quan đến nguy cơ có thể cạn kiện nguồn nước ngầm ở Cà Mau, ông Tống Lê Thắng lưu ý cần đặt vấn đề quản lý và sử dụng nguồn nước ngầm trong bối cảnh chung là quản lý, khai thác tiềm năng biển ở Cà Mau. Tỉnh mới chỉ quản lý được ở khu vực ven bờ, còn ngoài vùng khơi xa, chưa có đủ nguồn lực và kinh phí để điều tra nghiên cứu khảo sát. Vì vậy, rất cần có sự đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành. Trong lĩnh vực này cũng còn chưa phân định rõ ràng ngành nào sẽ chịu trách nhiệm chính.