Kho thuốc BVTV ở Nghệ An: nỗi lo không của riêng ai (Kỳ 2)

ThienNhien.Net – Làm việc với Sở Tài Nguyên và Môi trường Nghệ An, được biết, trước sự bức xúc của bà con nông dân tại xóm 1, 2 Nghĩa Trung, UBND tỉnh đã giao cho chi cục Bảo vệ thực vật trực tiếp nghiên cứu. Bà Nguyễn Thị Đào, phó chi cục trưởng làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này.

Kỳ 1

Tồn dư của quá khứ

Được biết, từ năm 1962 – 1980 tại xóm 1, xóm 2 xã Nghĩa Trung là nơi làm việc của bệnh viện Lao, bệnh viện dã Chiến và bệnh viện hữu nghị Nghĩa Đàn. Mục đích sử dụng thuốc BVTV là vệ sinh phòng dịch cho các huyện miền Tây Bắc Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An ), xử lý vệ sinh vùng rác thải các bệnh viện, diệt mối, mọt nhà ở, vật dụng y tế, phòng và chữa bệnh, cứu thương và diệt trừ muỗi Anmophen.

Trong vùng Nghĩa Trung có 5 địa điểm kho chứa thuốc BVTV của các Bệnh viện, phân bố trong phạm vi chiều dài 600m, chiều rộng 250m đều thuộc vùng dân cư sống xen kẽ. Khi các bệnh viện chuyển đi cũng là thời điểm các kho dự trữ bị sập, dột nát, thuốc BVTV tồn trong các kho bị bục vỡ trộn lẫn vào trong đất và các nguồn nước. Một số kho có lượng thuốc BVTV lớn được dân ở đây chôn vùi xuống 2 giếng nước. Hiện tại một số vùng đất là nền móng của kho và các khu vực xung quanh các kho vẫn còn có những cục màu trắng có mùi DDT rất nặng. Kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy tồn dư thuốc BVTV trong đất, bùn và nguồn nước tại Nghĩa Trung đã vượt quá tiêu chuẩn cho phép 443 đến 20.500 lần, nay đã phát tán rộng trên 100.000m2.

Do địa hình của xóm 1, xóm 2 có độ dốc lớn, khi trời mưa các dòng chảy từ các nguồn đều chảy tràn qua các kho và nhà ở của dân rồi đổ về các con mương sát đường đi của xóm. Trong qúa trình san lấp các nền kho nhiều người dân đã lấy đất ở đây để đắp đường giao thông xóm. Đây là nguy cơ làm cho thuốc và đất bị nhiễm thuốc BVTV có điều kiện lan toả, phát tán ra diện rộng hơn, thậm chí thuốc DDT còn lẫn trong đất canh tác trong vườn của nhiều gia đình.

Bà Nguyễn Thị Đào, cho biết: Ở Nghệ An có đến 12 địa điểm được Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An liệt vào mức báo động (Thực tế còn 31 kho cần được tiến hành nghiên cứu), trong đó nổi cộm là xã Nghĩa Trung-Nghĩa Đàn, Thị trấn Nam Đàn, xóm Hồng Kỳ, Vũ Kỳ xã Đồng Thành (Yên Thành). Tại khối Mai Hắc Đế – thị trấn Nam Đàn, thời gian gần đây kho thuốc BVTV bốc mùi quá nặng. Ngày 20/3/2007, UBND huyện buộc phải chỉ đạo cho đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn tiến hành “khai quật” kho thuốc. Thật khủng khiếp là phát cả tấn thuốc BVTV vẫn bị chôn vùi dưới đất. Giải pháp trước mắt vẫn để số thuốc tại chỗ và xây lại kho, bịt kín mọi hướng, tuy nhiên hiện tại quanh khu vực kho mùi thuốc vẫn bốc lên rất khó chịu.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Dù các cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực nhưng hiện tại các kho thuốc BVTV đã được xử lý vẫn chưa vượt qua con số 10. Trong khi theo báo cáo mới nhất vẫn còn…31 kho thuốc BVTV cần được nghiên cứu.

Bà Nguyễn Thị Đào, cảnh báo: “Hiện tại các kho thuốc BVTV lượng hoá chất BVTV tồn dư quá mức cho phép rất lớn đã và đang gây ô nhiễm phạm vi rộng mức độ ô nhiễm cao lại nằm trong khu đông dân cư. Nếu không có phương pháp xử lý phù hợp sẽ gây hậu quả khó lường và ảnh hưởng lớn đến tâm lý của nhân dân”. Nói đến những hộ dân tại xã Nghĩa Trung, bà Đào chia sẻ: “Cần sớm cứu dân, tôi lên và thấy thương dân quá, ngồi nói chuyện với họ mà tôi cũng không chịu được mùi thuốc, thế mà họ phải chịu đựng hàng chục năm qua”. Là tác giả của những nghiên cứu mới nhất về 2 vùng Nghi Trung-Nghĩa Đàn và Đồng Thành – Yên Thành. Sau khi có kết quả phân tích bà Đào đã rất tích cực kêu gọi, kiến nghị đến các cơ quan ban ngành liên quan, UBND tỉnh Nghệ An với lời khẩn cầu “Hãy sớm cứu dân”. Bà Đào cũng đề nghị cần di dời ngay toàn bộ các hộ nhà dân sống trong vùng kho đến định cư địa điểm mới không bị ô nhiễm, hiện tại dân trong vùng mắc bệnh “nhiều hơn mức bình thường so với các vùng khác”.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn để nghiên cứu, cũng như để khắc phục hậu quả. Theo chúng tôi được biết số tiền Chi cục bảo vệ thực vật tiến hành ngiên cứu tại hai huyện Nghĩa Đàn và Yên Thành đã “ngốn” hết gần 200 triệu đồng. Với hàng chục địa điểm cần nghiên cứu như hiện nay, đó quả thật là trở ngại không nhỏ. Hiện nay biện pháp khắc phục trước mắt tại các vùng ô nhiễm và nghi bị ô nhiễm là khoanh vùng, trồng cây xanh, xây bể chứa nước thải, không cho nước phân tán ra vùng khác. Đây là cách khắc phục ít tốn kém nhất nhưng mất rất nhiều thời gian. Với người dân sống trên vùng bị ô nhiễm cần xây dụng các bể chứa nước sạch tránh dùng nguồn nước ngầm như hiện nay khi giải pháp di dời dân rất khó thực hiện bởi nguồn kinh phí quá lớn.

Có thể nói sự vào cuộc các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An là rất cần thiết khi mà người dân sống trong vùng các kho thuốc BVTV đang thực sự hoang mang. Đây cũng là mong muốn tha thiết của những người dân khi cuộc sống và sức khoẻ của họ đang thực sự bị đe doạ.


* Bài báo này được hoàn thành với sự hợp tác của Báo Khoa học & Đời sống và Trung tâm Con người & Thiên nhiên (PanNature)