Tại sao loài kiến thống trị thế giới?

ThienNhien.Net – Kiến là vị khách không mời đầu tiên trong các buổi cắm trại. Tính tỉ mỉ cần cù của chúng khiến chúng trở thành những loài quan trọng đối với hệ sinh thái và lý giải vì sao chúng có thể sống ở hầu khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, trước đây kiến chưa từng thống trị thế giới. Theo như phán đoán của các nhà khoa học, loài kiến giống như ngày nay mới chỉ tiến hoá cách đây khoảng 120 triệu năm. Các di tích hoá thạch cho thấy, kiến thời đó không phải là loài kiến phổ biến hiện nay. Phải đến 60 triệu năm sau, khi một số loài kiến thích nghi được với cuộc sống mới với phấn hoa và đa dạng hoá thức ăn thì chúng mới đạt được ưu thế về sinh thái như ngày nay.

Cho đến bây giờ , loài kiến đã tiến được một bước rất dài trên con đường phát triển của mình.

Các nhà khoa học ước tính có khoảng 20.000 loài kiến trên hành tinh của chúng ta. Còn theo như các nhà phân loại học thì hiện có hơn 11.000 loài và chúng chiếm ít nhất 1/3 tổng sinh khối của lớp côn trùng. Một cuộc điều tra cho thấy, trọng lượng của đàn kiến ở rừng Amazon (Brazil) nặng gấp 4 lần tổng trọng lượng của các loài thú, chim, bò sát và lưỡng cư cộng lại.

Mọi người đều biết đến kiến

Loài kiến thống trị thế giới này thông qua sự thích nghi một cách đa dạng với môi trường sống và thức ăn.

Kiến khác nhau từ hình dạng đến môi trường sống. Có những loài chỉ đạt được kích cỡ khoảng 1 mm như loài Oligomyrmex atomus, nhưng cũng có loài dài tới những 37mm như Dinoponera. Chúng có rất nhiều màu từ vàng, đỏ đến đen và có mặt từ những sa mạc đến những đầm lầy hay những cánh rừng nhiệt đới, chỉ trừ nơi cao nhất và lạnh nhất hành tinh.

“Hầu hết mọi ngôn ngữ trên thế giới đều có từ về kiến”, nhà côn trùng học Philip Ward của đại học California, Davis cho biết. “Kiến là loài vật phổ biến và không phải loài côn trùng nào cũng được như vậy”.

Tập tính của kiến

Nhiều loài kiến kiếm ăn từ những bông hoa giàu cacborhydrates. Một số loài kiến đục gỗ còn làm tổ quanh gốc cây để tự vệ trước các loài côn trùng khác và bảo vệ nguồn thức ăn của mình.

Những loài kiến sống trong môi trường khô hạn chịu được cái nóng và sống sót trong suốt một thời gian dài khô hạn nhờ việc tích trữ thức ăn. Chương trình khoa học vui dành cho trẻ em, – “Nông trang kiến của chú Milton” – sử dụng hình ảnh các chú kiến nhặt hạt Pogonomyrmex californicus, mà trong tự nhiên, chúng thường thu nhặt thức ăn chất vào các kho lương thực khổng lồ dưới lòng đất. Loài kiến mật thì trữ thức ăn vào cơ thể của chính mình.

Một vài loài kiến đánh nhau để tranh giành thức ăn. Kiến lính sử dụng những cái râu to khoẻ trên đầu mình để đánh nhau với những con kiến khác.

Một số làoi kiến đánh nhau tranh giành thức ăn. Chiếc râu lớn trên đầu chúng là phương tiện chiến đấu. Loài Odontomachus có đôi hàm to khoẻ, nhai rất nhanh và bạn có thể nghe được tiếng động phát ra từ chúng. Trong khi đó, một số loài lại đi ăn trộm kiến con từ các nhà “hàng xóm”.

Kiến cái đảm đương mọi công việc

Một tổ kiến có kiến chúa, kiến thợ và kiến lính. Mỗi con đều có dụng cụ và kỹ năng chuyên biệt dành cho công việc được giao phó. Với mỗi loài kiến khác nhau lại có sự phân chia công việc khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính của chúng.

Trong tổ kiến, những con non thường trông con và làm việc vặt, trong khi những con đứng canh gác hoặc kiếm ăn bên ngoài thường già hơn. Cũng giống như những loài có tính xã hội trong bộ cánh màng của lớp côn trùng, kiến cái phải làm tất cả mọi việc còn kiến đực chỉ việc “rải gien” của chúng khắp nơi .

Nhà côn trùng học Alex Wild của đại học Arizona cho biết: “ Kiến đực là một tên lửa đầy tinh trùng”.

Kiến là động vật có tính xã hội cao, nhưng một số loài đã phát triển thành xã hội phức tạp, trong khi nhiều loài vẫn chẳng khác gì tổ tiên của chúng. Ví dụ như một số loài kiến có thể kiếm ăn theo đàn còn loài kiến Bulldog ở Australia chỉ săn mồi riêng lẻ và sử dụng cặp mắt to tướng thay vì các hoá chất phức tạp. Theo ông Wild, loài kiến này có bầy nhỏ, chúng không có nhiều điểm khác biệt về hình thái giữa kiến chúa với kiến thợ và chúng chưa có những đặc điểm riêng biệt.

Kiến “ma cà rồng”

Loài kiến này đã phân nhánh từ các loài kiến tổ tiên trước khi hình thành tập tính chia sẻ thức ăn và khả năng nhai lại. Chúng chọc vòi vào bụng ấu trùng để hút máu, do đó có tên là kiến “ma cà rồng”.

Khác với những loài vật sống theo đàn như ong, phần lớn kiển đều không có cánh và đã phát triển một “kho” chất hóa học để hỗ trợ việc liên lạc trên mặt đất. Theo Philip Ward, do thiếu cánh, việc kiếm thức ăn của kiến rất hạn chế, chúng phải nhặt nhạnh thức ăn trên mặt đất, vì thế việc giao tiếp trên mặt đất vô cùng quan trọng.

Kiến dùng các tín hiệu hóa học để hẹn hò, báo động và xác định vị trí thức ăn.

Còn kiến chúa, khi đã sẵn sàng giao phối, nó sẽ bò lên một địa điểm cao ráo rồi chĩa đuôi lên và phóng vào không khí một loại hoóc môn có khả năng hấp dẫn kiến đực.

Khi có kẻ thù tấn công tổ một tuyến ở miệng kiến sẽ phát ra một loại hoóc môn có mùi để báo hiệu.

Ông Wild cho biết: “Tín hiệu này giúp cho những con kiến xung quanh lập tức trở về tổ và đem đám ấu trùng đi trốn đến chỗ an toàn dưới đất, những con ở lại sẽ chạy xung quanh tổ, há miệng thật to và sẵn sàng cắn hay đốt kẻ thù”.

Giao tiếp là yếu tố quyết định

Con người cũng có thể ngửi được những hóa chất mà kiến tiết ra. Loài kiến cam sống trên cây xả, chỉ thấy ở khu vực Bắc Mỹ, có thể tiết ra mùi cam rất mạnh. Tuy nhiên, không phải loại hoóc môn nào cũng có mùi thơm như vậy, điển hình như nhóm kiến Pheidole, khi khẩn cấp chúng sẽ tiết ra một dịch có mùi thối như phân.

Loài kiến chỉ đường bằng các đụn, các dải hoá chất, vì vậy những chú kiến con chỉ việc lần theo con đường này tới kho dự trữ thức ăn.

Ông Wild cho rằng: “Thành công của loài kiến giúp ta hiểu ra cách chúng sử dụng tổ chức xã hội để đem lại nguồn lợi lớn nhất. Kiến đã thiết lập những mạng lưới thông tin phức tạp, qua đó chúng có thể nhanh chóng liên lạc với nhau. Đó là lý do tại sao luôn có hàng vạn con kiến trong các cuộc dã ngoại của bạn”.