Biến đổi khí hậu – không phải chuyện của trời (Kì 1)

ThienNhien.Net – Những dự báo của các nhà khoa học về biến đổi khí hậu người dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hoàn toàn mù tịt. Họ nào biết hiệu ứng nhà kính hay sự nóng lên của trái đất là gì. Nhưng tôi đã thấy nỗi lo nước mặn xâm nhập vào ruộng đồng vốn khô kiệt hiển hiện trên từng khuôn mặt khắc khổ của người nông dân. Tôi, một kẻ vừa rời khỏi ruộng đồng, bắt đầu quen với tiếng máy điều hòa nhiệt độ, cũng bắt đầu cảm nhận sự nóng lên trên từng trang tài liệu dự báo.


Nóng vì mặn ngọt

Mặn đã tràn vào vùng ngọt

 

Mùa khô năm 2010, vùng đồng bằng phì nhiêu đón nhận cái nóng chưa từng thấy. Đâu đâu trên dải đất bạt ngàn đồng lúa và cây trái hoa màu này đều sôi lên chuyện thiếu nước ngọt. Nước mặn xâm nhập vào đất liền có nơi sâu đến 70km tính từ cửa biển.

 

Tháng tư, nước mặn từ cửa sông Trần Đề (Sóc Trăng) ăn tới địa phận huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ, tại đây độ mặn đo được đã vượt quá 2o/oo. Báo cáo của tỉnh Bến Tre cho biết, nước mặn đã tiến sâu vào vùng ngọt hơn 60 km, đe dọa trực tiếp đời sống và sản xuất của nông dân canh tác trên 80.000 ha vùng ngọt.

 

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, nước mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến 7 tỉnh ven biển ĐBSCL, làm cho diện tích lúa đông xuân bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trễ tiến độ xuống giống vụ hè thu 2010.

 

Tại Bạc Liêu, nước mặn đã tràn vào vùng ngọt ổn định trên 60.000 ha của các huyện Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai gây thiệt hại lớn cho trà lúa đông xuân của tỉnh. Giá Rai chịu thiệt hại nhiều nhất.

 

Ông Nguyễn Văn Chánh, ấp 17, xã Phong Tân, huyện Giá Rai sản xuất trên 2 ha lúa đông xuân ngậm ngùi nhìn những dòng kinh khô trơ đáy than thở: “Tôi làm ruộng đã 30 mươi năm mà chưa thấy năm nào thiếu nước như năm nay. Mọi năm đến tháng 3 vẫn còn nước để bơm, năm nay đầu tháng 2 đã kiệt nước. Trà lúa này còn phải ít nhất 5 lần bơm nữa, nhưng kinh mương cạn kiệt nước hết rồi lấy gì bơm lên ruộng bây giờ“.

 

Kế đó, 6 ha ruộng gia đình ông Trần Văn Nghĩa thuê với giá 20 triệu đồng/ha để sản xuất vụ đông xuân cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước trầm trọng. Ông Nghĩa bảo vụ này chỉ thu chừng 80 triệu đồng, số nợ còn lại chưa biết tính sao.  

 

Toàn xã Phong Tân có đến 2.000 ha lúa đông xuân thiếu nước ngọt chưa từng có. Ông Trần Văn Trạng, Bí thư đảng ủy xã chua xót: “Thấy lúa của dân khát nước chúng tôi xót lắm, nhưng để dẫn được nguồn nước ngọt về tưới tiêu cho xã xa trên 60 km, kinh phí của xã anh biết rồi đó, lấy đâu ra tiền để làm thủy lợi cho dân“.

 

Theo thống kê của huyện Giá Rai, vụ lúa đông xuân vừa qua toàn huyện có trên 4.000 ha bị ảnh hưởng, trong đó có 200 ha gần như không thu hoạch được gì.

 

Tại tỉnh Sóc Trăng, thiếu nước ngọt cho tưới tiêu cũng đã làm giảm năng suất gần 10.000 ha lúa. Chưa có con số thống kê thiệt hại cho toàn vùng ĐBSCL vào vụ đông xuân do thiếu nước ngọt, nhưng chắc chắn con số đó sẽ là rất lớn.

 

Nỗi đau ngay từ vùng nước mặn

 

Nước mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ngọt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đã rõ. Nhưng, ngay tại chính vùng mặn, nước mặn cũng gây nên những cản ngại trong sản xuất.

 

Ông Trần Văn Tân, ấp 19, xã Phong Thạnh A, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu có 2,6 ha diện tích nuôi tôm đã thả giống ít nhất 5 lần rồi, nhưng hiện nay thu hoạch chưa hoàn được tiền con giống.

 

Dẫn tôi ra vuông tôm, ông dùng máy đo độ mặn chỉ cho tôi xem, rồi chép miệng lắc đầu: “Độ mặn lên đến 47o/oo như thế này, tôm nào sống cho nổi. Mười ba năm nay nuôi tôm tôi chưa thấy năm nào nước mặn như vậy“.

 

Toàn ấp 19 có đến trên 250 hộ dân nuôi tôm đều thất trắng do độ mặn quá cao. Gia đình anh Nguyễn Thanh Quang thả mấy đợt tôm rồi mà chẳng thu được con nào, đang chuẩn bị làm hồ sơ xin đi Bình Dương làm thuê kiếm sống. “Từ Tết Nguyên Đán tới giờ gia đình có thu hoạch được gì đâu. Bám đất làm ăn nhưng thời tiết kiểu này nuôi tôm khó khăn quá đành phải rời quê kiếm sống thôi“, anh bảo.

 

Tôi hỏi anh định làm gì trên mảnh đất xa lạ tận miền Đông xa xôi ấy. Anh tặc lưỡi: “Không biết nữa, chắc là đi làm cu ly hay khuân vác gì đó miễn có tiền sinh sống qua ngày“.

 

Theo Phòng NNPTNT huyện Giá Rai, huyện hiện có trên 18.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại do nước quá mặn. Kỹ sư Liên An Lộc, Phó trưởng phòng NNPTNT huyện Giá Rai phân tích: “Con tôm sú phát triển được ở độ mặn từ 15 đến 25o/oo, nay lên đến trên 45o/oo  tôm không thể nào lột vỏ lớn được. Tất cả bị cháy hết”. Theo KS. Lộc, sở dĩ độ mặn tăng cao là do nắng nóng kéo dài làm cho nước trong ao tôm bốc hơi nhanh.

 

Bạc Liêu chính thức vào mùa tôm từ tháng 1. Thông thường hàng năm đến thời điểm tháng 5 đã kết thúc vụ tôm thứ nhất, người dân bắt tay vào sản xuất vụ hai trong năm, nhưng do thời tiết bất thường đã làm cho tôm nuôi vụ một năm nay gần như không thu hoạch được gì.

 

Nước mặn cũng làm cho vùng nuôi nghêu của các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau bị thất thu vì loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ này không thể thích nghi được ở độ mặn quá 37o/oo . Ông Thanh Lê, xã viên HTX nuôi nghêu Hải Đông, Thị xã Bạc Liêu than vãn: “Mặn quá nghêu sống không nổi, chắc vụ này chúng tôi chẳng được chia lợi nhuận bao nhiêu“.

 

Vụ nghêu năm 2009, HTX Hải Đông có doanh thu trên 20 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay con số này sẽ giảm nhiều vì độ mặn quá cao. Theo Ban chủ nhiệm HTX, tạm thời phải cho ngưng thả nuôi, đợi độ mặn giảm xuống mới tính đến chuyện kinh doanh.

 

Mặn – ngọt chưa hết phân tranh

 

Nước mặn đã thật sự diễn biến bất thường ngay trong mùa khô năm 2010 này chứ chẳng chịu đợi đến 100 năm nữa như ai đó cảnh báo. Chưa bao giờ sự phân tranh mặn ngọt diễn ra gay gắt nhất tại đồng bằng như lúc này.

 

Hơn bao giờ hết, những người chân lấm tay bùn đang phải tự mày mò để chọn cho mình hướng sản xuất để đảm bảo cuộc sống, sinh tồn ở trái đất vốn nhiều diễn biến phức tạp này. Các nhà khoa học gọi đó là những “Mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu”, nhưng đối với bà con, chẳng qua chỉ là tìm cách để có tiền nuôi sống gia đình. Đó là mô hình sản xuất luân canh lúa-tôm tại các tỉnh ven biển Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng.

 

Tận dụng chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau được chính phủ đầu tư trên 5.000 tỉ đồng từ năm 1995 đang triển khai, các tỉnh nói trên đã điều tiết nước cùng hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm và trồng lúa. Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên sản xuất mô hình này, từ 5.000 ha năm 1997 đã mở rộng ra trên 26.000 ha vào năm 2010.

 

Cà Mau đã nâng diện tích mô hình luân canh lúa tôm lên 45.000 ha và chính thức xây dựng chương trình phát triển mô hình này. Sóc Trăng cũng lựa chọn mô hình lúa – tôm để phát triển bền vững cho các xã ven biển.

 

Sở dĩ các địa phương này lựa chọn mô hình lúa – tôm vì lượng nước ngọt phục vụ cho sản xuất chỉ kéo dài  4 -5 tháng trong năm chủ yếu nhờ nguồn nước trời cho và một phần từ sông Mê Kông. Các tháng còn lại, nước ở các con kinh, rạch đều mặn. Lúc nào nước mặn thì nuôi tôm, nước ngọt thì trồng lúa.

 

Sự luân canh này nghe đơn giản vậy, nhưng trong thực tế diễn biến bất thường theo các năm. Giá lúa tăng, làm nông có lãi, người dân ùn ùn trồng lúa. Lúa xuống giá, người dân lại phá ruộng đắp bờ bao ví nước nuôi tôm.

 

TS. Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho biết: “Tác động của biến đổi khí hậu đã rõ, vấn đề là lựa chọn những mô hình thích nghi, sinh kế của người dân khi khí hậu không ngừng biến đổi. Việc người dân ở Bán đảo Cà Mau lựa chọn mô hình luân canh lúa tôm là hướng đi đúng. Tuy nhiên sẽ là khó khăn nếu như người dân vùng ngọt, đã quen sản xuất với hệ  sinh thái này (nuôi cá tra, cá basa chẳng hạn) thì rất khó thích ứng với mô hình sản xuất khi nước mặn tràn về“.

 

Theo GS. TS. Võ Tòng Xuân, nước mặn cũng là tài nguyên, vấn đề là cần khai thác tốt nguồn tài nguyên này thay vì cứ mãi lo nước biển tràn vào vùng ngọt.

 

Tuy nhiên, một thực tế ở ĐBSCL lâu nay là hệ thống thủy lợi vừa thiếu vừa yếu, lại đầu tư thiếu đồng bộ nên việc điều tiết nước, khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp, chưa chủ động. Mặn, ngọt chưa hết phân tranh mà phần thiệt lâu nay vẫn nghiêng về hàng chục ngàn người dân nghèo trên vùng đất này.