Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn: Ứng phó cách nào?

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Thực tế này đang diễn ra ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng nhanh đòi hỏi ngành nông nghiệp cần xây dựng những giải pháp để ứng phó.

Khu vực Đồng bằng sông Hồng có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 800.000ha. Đây cũng là khu vực kinh tế trọng điểm và vùng sản xuất lương thực lớn thứ hai của cả nước. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, mực nước ở hạ du tại Hà Nội giảm thấp và có chiều hướng ngày càng trầm trọng. Dòng chảy trên hệ thống các sông chính ở Đồng bằng sông Hồng mùa kiệt xuống thấp gây ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, môi trường và dân sinh của hạ du, trong đó diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn khoảng 233.400ha. Mực nước ở các cửa cống lấy nước tự chảy vào hệ thống và các trạm bơm tưới hai bên bờ sông Hồng luôn thấp, gây khó khăn cho hoạt động tưới của các trạm bơm. Từ năm 2011, hồ chứa Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động đã giúp cho dòng chảy sông Hồng và sông Thái Bình được cải thiện một phần, nhưng tình trạng hạn hán và xâm mặn vẫn diễn ra. Hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào việc xả nước của các hồ chứa thượng nguồn.

Mùa khô, nước ở hạ du Hà Nội giảm thấp và có chiều hướng ngày càng trầm trọng (Ảnh: Hà Nội Mới)
Mùa khô, nước ở hạ du Hà Nội giảm thấp và có chiều hướng ngày càng trầm trọng (Ảnh: Hà Nội Mới)

Tại hội thảo “Quản lý rủi ro thiên tai theo lưu vực sông và những tác động của hạn hán, xâm mặn lên quản lý tưới” do Viện Khoa học thủy lợi, Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1-4 cho thấy, hiện nay, nước mặn đã lấn sâu vào các sông trên địa bàn các tỉnh giáp biển với mức độ ngày càng tăng và ở mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ qua.

Theo Tổng cục Thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới cho tổng diện tích toàn vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 69%, diện tích tưới bấp bênh và chưa có công trình tưới là 273.701ha. Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, hiện nay hệ thống thủy lợi của Hà Nội có 1.338 công trình nhưng vấn đề quản lý, vận hành hệ thống này đã, đang bộc lộ những bất cập. Nhiều trục kênh tưới, tiêu lớn đã bị bồi lắng nghiêm trọng, giảm đáng kể khả năng dẫn nước; một số trạm bơm lắp đặt từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước tới nay chưa được thay thế, hiệu suất sử dụng chỉ còn 70-75%. Vào mùa khô, cửa cống sông Nhuệ, Đáy không thể tự chảy trở thành “dòng sông chết” nhiều năm nay, gây khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của Hà Nội…

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng trên xảy ra một phần do tác động của các công trình thủy điện trên thượng nguồn. Ngoài ra, do tác động của El Nino khiến mức độ cạn kiệt nguồn nước trên các sông phía Việt Nam càng thêm trầm trọng hơn. Mặt khác, năng lực các công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Các cống và trạm bơm lấy nước chủ lực xây dựng từ lâu, mặc dù được tu bổ hằng năm nhưng vẫn trong tình trạng chắp vá, xuống cấp. Năng lực khai thác các cống tưới thường xuyên không đạt mức thiết kế. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân mực nước sông hạ thấp do tích nước của hệ thống hồ chứa phía thượng nguồn làm giảm lượng phù sa, gây xói lòng sông phía hạ du và do khai thác cát không theo quy hoạch…

Để khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Hồng, theo ông Hà Hải Dương (Viện Khoa học thủy lợi), Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Xây dựng quy trình vận hành tổng hợp liên hồ để điều tiết dòng chảy trong mùa mưa, mùa khô; nâng mức bảo đảm các hệ thống công trình thủy nông, công trình tưới nước; quản lý và nâng độ che phủ của rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn. Ngoài ra, khắc phục tình trạng hạn hán, xâm mặn cần chú trọng đến việc dùng nước tiết kiệm; hiện đại hóa các công trình thủy lợi, kiên cố hóa các hệ thống dẫn nước để giảm tổn thất nước, giảm chi phí tưới nước; triển khai các hạng mục thủy lợi Đồng bằng sông Hồng theo kịch bản tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiệt độ trung bình ở nước ta tăng khoảng 0,5oC/năm và lượng mưa có xu hướng giảm ở phía Bắc. Vào mùa đông, nhiệt độ tăng nhanh hơn ở cả Tây Bắc bộ, Đông Bắc bộ và Đồng bằng Bắc bộ khoảng 1,3-1,5oC/năm. Lượng mưa (tháng 5 – 10) giảm từ 5-10% và có xu hướng kết thúc sớm ở các khu vực này. Mùa cạn kiệt sẽ đến sớm hơn làm lượng nước đổ về các hồ chứa trên thượng nguồn cũng ít hơn, trong khi đó mực nước biển có xu hướng tăng 2,8mm/năm.