Các nước đang phát triển có thể thất bại trước mục tiêu thiên niên kỷ

ThienNhien.Net – Mới đây, một giáo sư thiết kế dân dụng của trường đại học Stanford đã cảnh báo các quốc gia đang phát triển có thể không thực hiện được mục tiêu vệ sinh nằm trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) do khả năng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu.

Giáo sư Jennifer Davis, Đại học Stanford cho rằng những dự án hỗ trợ quốc tế thường tập trung vào xây dựng những công trình mới nhưng không lâu bền. Trong buổi diễn thuyết tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Phát triển Mỹ tại San Francisco, bà đã kêu gọi thực hiện các chương trình giáo dục đào tạo tốt hơn tại địa phương nhằm phát triển và duy trì sự hoạt động của những cơ sở vật chất cũ kỹ.

Theo Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, số người không có điều kiện tiếp cận nguồn nước sinh hoạt an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản sẽ giảm đi một nửa vào năm 2015. Tuy nhiên, một báo cáo năm 2006 cho thấy 1,2 tỉ người tại các nước đang phát triển vẫn phải đối phó với tình trạng thiếu thốn trầm trọng các điều kiện vệ sinh cơ bản vào thời điểm cuối năm 2004.

Bà Davis cho biết, tính theo sự tăng trưởng dân số tự nhiên, 500 triệu người trên thế giới sẽ không thể được đáp ứng đầy đủ các mục tiêu vệ sinh. Trong một thế giới phát triển, những quốc gia có thu nhập bình quân kém hơn sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn để hoàn thành mục tiêu. Theo bà, “bất chấp thực tế là ngày càng có nhiều sự trợ giúp quốc tế, nguồn lực mà các địa phương dành để thực hiện những dự án thiết kế bền vững về vệ sinh vẫn chưa đủ. Những sự trợ giúp quốc tế luôn luôn ưu tiên những công trình mới hơn là tái hoạt động và bảo dưỡng những thiết bị cũ. Có nguy cơ những dự án mới sẽ không thể duy trì được trong một thời gian dài”.

Ngay cả khi những biện pháp bổ sung được tiến hành nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu vệ sinh, những vướng mắc vẫn sẽ tồn tại sau khi mục tiêu năm 2015 đã trôi qua.

Bà Davis đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu tất yếu đối với các nước đang phát triển trong việc cải thiện năng lực thiết kế thông qua quá trình đào tạo, giáo dục và thúc đẩy sự phối hợp giữa xây dựng hạ tầng với nhiều ngành khác.

Calestous Juma, giáo sư nghiên cứu các vấn đề phát triển quốc tế tại đại học Harvard cũng đồng tình với nhận xét trên. Theo ông, “bất cứ mục tiêu cơ bản nào (trong Chương trình Phát triển Thiên niên kỷ) đều có thể không đạt được nếu không có sự đầu tư cơ bản vào đổi mới công nghệ và những điều chỉnh trong các tổ chức, ví dụ như đào tạo về thiết kế xây dựng”.