Từ chuyện váng dầu đến công nghệ bảo vệ môi trường biển

Nhiều tháng qua, nguồn gốc của những váng dầu gây ô nhiễm suốt dải bờ biển Việt Nam vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, váng dầu không chỉ là đe dọa duy nhất đối với môi trường biển Việt Nam. Dưới đây là bài viết của ông Ngô Lực Tải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật biển.

Bảo vệ môi trường biển là xu thế toàn cầu

Ý thức bảo vệ môi trường môi sinh của loài người đã có từ lâu, được phát triển cùng với đà tăng trưởng dân số và công nghiệp hóa trên thế giới.

Từ đầu thế kỷ 20 đã xuất hiện nhiều tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường ở một số nước công nghiệp tiên tiến với những yêu cầu như: giữ gìn môi trường trong sạch, không hủy hoại sinh thái, chống vũ khí hạt nhân…

Cơn lốc của các cuộc cách mạng khoa học – công nghệ nối tiếp diễn ra, nào là cơ khí, điện tử, sinh học, thông tin… đã làm cuộc sống của con người ngày một phồn vinh và thuận tiện hơn, nhưng cũng đồng thời đặt ra cho nhân loại nhiều thách thức to lớn. Đó là mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường môi sinh của trái đất, mâu thuẫn gay gắt giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Bài toán nhiều đáp số khó giải đặt ra không chỉ cho một vài nước công nghiệp giàu có mà cho cả thế giới, buộc các quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế phải vào cuộc tìm đáp án thích hợp vì hậu quả “nhãn tiền” của các chất thải công nghiệp, trong đó có khí mêtan, CO2, lưu huỳnh…..đã gây ra hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, băng giá tan nhanh ở hai địa cực, tạo ra các hiện tượng thời tiết bất thường như La Nina, El Nino… phá vỡ sự cân bằng sinh thái vốn đã tồn tại từ khi loài người xuất hiện.
Đến nay, việc bảo vệ môi trường môi sinh nói chung và môi trường biển nói riêng không chỉ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các tổ chức phi chính phủ mà nó trở thành một lĩnh vực trọng yếu của các quốc gia công nghiệp và các quốc gia ven biển, đồng thời cũng là mối lo âu và sự quan tâm bậc nhất của nhân loại, không loại trừ ai và không cho phép ai đứng ngoài cuộc.

Hàng chục ngàn tấn dầu trôi dạt trên vùng biển Việt Nam

Vùng biển Việt Nam rộng khoảng 1 triệu cây số vuông, bờ biển dài 3.260 cây số, là loại biển mở nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là một trong những trục hàng hải có lưu lượng tàu bè qua lại rất lớn, trong đó 70% là tàu chở dầu. Tuy chưa được xếp vào biển có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng như biển Baltic, biển Địa Trung Hải… nhưng cũng được cảnh báo là có nguy cơ ô nhiễm cao trong tương lai vì công nghiệp đang phát triển mạnh ở các vùng duyên hải và hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong khu vực ngày một tăng.

Các nguồn ô nhiễm môi trường biển Việt Nam:
– Chất thải công nghiệp đổ ra từ các cửa sông.
– Ô nhiễm hữu cơ do nuôi trồng hải sản.
– Chất thải của tàu hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế ngoài khơi Việt Nam.
– Tràn dầu từ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong nước và trong khu vực.
– Ô nhiễm rác thải do hoạt động du lịch và dân cư ven biển.

Theo đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam thì chất lượng môi trường biển và vùng ven biển đang tiếp tục suy giảm.
Môi trường nước ven bờ bị ô nhiễm do rác thải khó phân hủy như bao nhựa, polymer bị vứt xuống biển biến nhiều vùng nước sống thành vùng nước chết, hủy diệt sinh vật, đã có 70 loài hải sản phải đưa vào sách đỏ Việt Nam, và 85 loài ở tình trạng nguy cấp với nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt nghiêm trọng là hiện tượng “triều đỏ” xuất hiện vào năm 2002 và 2003 tại vùng biển phía Nam Trung bộ đã gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi trồng hải sản.

Gần đây nhất, từ tháng 12/2006 đến cuối tháng 4/2007 vùng biển Đông nước ta đã hứng chịu từ 21.620 – 51.500 tấn dầu trôi nổi gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển và các vùng duyên hải từ Bắc đến Nam.

Thống kê cho biết, mới chỉ thu gom được 1.721 tấn trôi dạt vào bãi biển của 20 tỉnh thành, số còn lại bị khuyếch tán hay đi đâu, gây hậu quả cho môi trường, cho thực vật và sinh vật biển thế nào chưa ai biết được.

Quan trọng hơn là nguồn ô nhiễm xuất phát từ đâu vẫn là đáp số còn bỏ ngỏ mà với trình độ khoa học – công nghệ và thiết bị hiện có, chắc rằng chúng ta chưa thể trả lời trong một sáng một chiều, và môi trường biển Việt Nam vẫn đang đứng trước những nguy cơ và thách thức lớn.

Ở góc độ toàn cầu, đó là sự thay đổi khí hậu sẽ tác động đến nguồn lợi tài nguyên biển.

Ở góc độ quốc gia, đó là khó khăn về kinh tế và chính sách sẽ ảnh hưởng đến khả năng giải quyết tai biến thiên nhiên và đầu tư thiết bị phòng chống ô nhiễm môi trường, cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường biển.

Những đề xuất cụ thể

Sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường vừa qua là sự cố lớn nhất trong lịch sử môi trường biển Việt Nam, đã xảy ra trên một vùng biển rộng lớn với mức độ và tính chất hết sức phức tạp, trong khi nước ta chưa hề có kinh nghiệm cũng như chưa chuẩn bị đầy đủ tư thế để đối phó với bất cập này, đương nhiên nó trở thành bài toán khó giải.

Hiện nay, ở các nước công nghiệp phát triển, nhất là Bắc Mỹ và châu Âu, các quốc gia này đang sử dụng triệt để khoa học – công nghệ tiên tiến và phương tiện thiết bị hiện đại để giải quyết các việc kiểm tra, phát hiện và xử lý ô nhiễm môi trường biển. Cơ quan hàng hải châu Âu (EmSa) dùng vệ tinh Envisat và Eurimage-Spa của cơ quan vũ trụ châu Âu để phát hiện và định vị vùng ô nhiễm. Ngoài ra, còn có Hệ thống được mang tên “Mạng lưới làm sạch biển”. Mỗi khi phát hiện tàu gây ô nhiễm hoặc dấu vết ô nhiễm, vệ tinh sẽ truyền dữ liệu đến các trạm phân tích và chuyển kết quả đến nước hữu quan sau 30 phút. Bên cạnh đó, Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) và một số quốc gia còn ấn định vùng kiểm tra đặc biệt SECA (Sox-Emission Control Area) để giám sát lượng khí lưu huỳnh (SO2 phát thải từ động lực tàu biển gây tác động đến môi trường).

Mặc dù các cơ quan chức năng, các địa phương và nhiều ngành khoa học đã vào cuộc tích cực, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức giải quyết hậu quả ven bờ biển là dọn dẹp, thu gom và xử lý ô nhiễm. Vấn đề cơ bản là xác định nguồn ô nhiễm đến từ đâu để ngăn chặn tận gốc thì vẫn bỏ ngỏ.

Đã có một số ý kiến đề xuất từ các ngành quản lý và các nhà khoa học ở từng góc độ nhìn khác nhau rất đáng trân trọng. Tuy nhiên lúc này cần một giải pháp đồng bộ, vừa xử lý những vấn đề trước mắt, đồng thời vừa tạo nền tảng cho sự bền vững của môi trường biển Việt Nam trong tương lai, xin nêu một số ý kiến để tham khảo:

1. Cần nghiêm túc đánh giá năng lực chỉ đạo, tổ chức quản lý của bộ máy bảo vệ môi trường biển Việt Nam ở tầm vĩ mô cũng như vi mô, ở các địa phương ven biển để có sự củng cố, hoàn thiện nếu cần thiết.

2. Dành ngân sách thích hợp để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường biển, trong đó chú trọng đến phương tiện thiết bị hiện đại và hệ thống thông tin dữ liệu khoa học về môi trường.

3. Mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển để tranh thủ sự hỗ trợ ở những lĩnh vực cần thiết (cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện đội ngũ khoa học – công nghệ, cán bộ quản lý), đồng thời để Việt Nam đủ năng lực tham gia bảo vệ môi trường quốc tế, trên vị thế của một quốc gia mạnh về biển.

4. Đề xuất với ASEAN và các nước trong khu vực thiết lập một hệ thống chung để kiểm tra, phát hiện và xử lý ô nhiễm môi trường trên Biển Đông, nâng tầm hợp tác về môi trường lên một bước cao hơn, phù hợp với xu thế hội nhập.

Thực tiễn của cuộc sống đã chỉ rõ, bài học nào cũng có giá, riêng bài học về ô nhiễm môi trường biển vừa qua, thiết nghĩ không phải là đắt nếu chúng ta biết kịp thời chuyển từ thế bị động sang thế chủ động. Công việc này xin được dành cho các nhà quản lý và hoạch định chiến lược quốc gia.