Chôn lấp rác theo nguyên lý xây dựng “Thành Cổ Loa”

Việc chôn lấp rác hiện nay rất phổ biến tại nhiều nơi trên thế giới do chi phí đầu tư và vận hành thường thấp. Tuy nhiên, một hiện tượng phổ biến thường xảy ra đối với các bãi chôn lấp là tình trạng trượt và lún làm hiệu quả chôn lấp và tính an toàn không cao.

Nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên là do bãi chôn lấp được xây dựng trên nền đất yếu và việc xây dựng và đổ rác không hợp lý. Cụ thể như độ dốc mái taluy (góc tạo bởi mặt phẳng nằm ngang và đường tạo ra do rác đổ) quá lớn nên dễ gây trượt rác. Độ dốc mái taluy lớn sẽ đổ được nhiều rác, hiệu quả cao, nhưng dễ trượt rác; rác được đổ ở khu vực giữa, ban ra hai bên và chủ yếu chỉ đầm nén ở giữa, nên không tránh khỏi hiện tượng rác trượt ra hai bên. Nếu tăng hiệu quả, tăng công suất đổ của bãi chôn lấp phải tăng độ dốc mái taluy nhưng tăng độ dốc mái taluy lại gây tình trạng lún, trượt không an toàn.

Để giải quyết tình trạng trên giải pháp là sử dụng phương pháp đổ rác theo hình xoắn ốc (ảnh minh họa) – nguyên lý vành khăn. Phương pháp này đã từng được cha ông ta áp dụng thành công vào việc xây thành Cổ Loa khi xưa. Theo phương pháp này thay vì đổ rác tại một điểm ở giữa và ban ra hai bên, rác được đổ theo hình xoắn ốc và được đầm nén đều (ở xung quanh và cả ở giữa) theo từng đường lên rác. Chính vì vậy, độ dốc mái taluy sẽ giảm theo từng đường lên rác, rác được đầm nén đều hơn, đồng thời vẫn đảm bảo hiệu quả về công suất chôn lấp.