Từ cuối tháng 6/2023 đến nay, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất đá. Trong số đó, một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng như: Sự cố sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng); sạt lở đất đá, đường giao thông và thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Đắk Nông, Yên Bái…
Theo PGS.TS Trần Tân Văn – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cần phải làm rõ hơn nguyên nhân dẫn tới các vụ sạt lở, đồng thời nhận diện các dấu hiệu cảnh báo trượt lở đất để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra. Về nguyên nhân, ông Văn cho rằng có 2 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho đất đá bị bão hòa nước, khiến các sườn dốc trở nên mất ổn định hơn. Từ đó dẫn đến nguyên nhân thứ hai khi những đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp với hoạt động dân sinh khiến đất đá tại các sườn núi bị bão hòa nhanh hơn, chính là yếu tố “kích hoạt” trực tiếp gây sạt trượt, nứt đất.
“Các hoạt động dân sinh mà thiếu tính toán, thiếu cân nhắc về hậu quả có thể xảy ra càng ngày càng đóng vai trò mấu chốt hơn trong việc gây ra hình thái “tai biến địa chất” – ông Văn nói.
Về ý kiến cho rằng phần lớn các vụ trượt lở, sạt lở đất đá xảy ra trong những năm qua đều nằm ở những vị trí ngay bên đường giao thông; ông Văn cho rằng đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, khi thi công các tuyến đường giao thông qua đồi núi đều làm mất chân sườn dốc tự nhiên, từ đó làm gia tăng khả năng xảy ra trượt, sạt lở đất đá. “Khi thi công công trình, đường giao thông mà làm mất chân sườn dốc tự nhiên, người ta cần phải áp dụng biện pháp gia cố, gia cường các sườn dốc đảm bảo chắc chắn, an toàn, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp đã không làm” – ông Văn nói và cho rằng đôi khi người ta chỉ tập trung làm cho được con đường, còn việc gia cố hay khắc phục trượt lở đất ở ven đường… tính sau.
Tư duy ấy, cách làm ấy cần phải thay đổi.
Còn theo GS Nguyễn Ngọc Lung, người “cả đời gắn bó với rừng” – nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì câu chuyện về rừng và lũ, theo sau là những vụ sạt lở gây nhiều tổn thất về người và của cho cư dân ở những vùng vốn rất nghèo khó, là rất hệ trọng.
Nước và rừng gắn bó với nhau. Rừng không chỉ cung cấp gỗ mà còn cung cấp nước. Có cây bao giờ cũng tốt hơn đất đồi trọc. Nhưng tốt hơn nhiều hay ít là do con người. Chỗ nào hay sạt lở thì phải nghiên cứu địa chất xem lớp đất ở đấy thế nào.
“Tôi có thể khẳng định lũ lụt nặng nề và gây tác hại khủng khiếp có nguyên nhân từ con người: rừng bị tàn phá” – ông Lung nói
Về ý kiến cho rằng sạt lở, lũ lụt là do mưa nhiều, đất “no nước”, ông Lung cho rằng những luận giải như vậy là không thỏa đáng. Vì rằng có hai nguyên nhân: nguyên nhân khách quan thì con người rất khó chống lại, và nguyên nhân nữa lại là do con người.
“Tôi có thể khẳng định lũ lụt nặng nề và gây tác hại khủng khiếp có nguyên nhân từ con người: rừng bị tàn phá. Tại sao có bảo vệ hoặc kiểm lâm chặt phá rừng? Đó là lỗi ở hành pháp. Nhưng kiểm lâm hay lâm tặc vẫn chưa là thủ phạm đứng đầu phá rừng phòng hộ. Rừng bị phá nhiều nhất là bởi tình trạng khai hoang, lấy đất canh tác và xây dựng các công trình dân dụng” – ông Lung nói.
Về nguyên nhân do biến đổi khí hậu, theo ông Lung, nước ta có 7 vùng sinh thái thì miền Trung đất hẹp, với bờ biển dài và độ dốc lớn khiến đất dễ trượt, sông dễ bị đổi dòng là vùng đứng đầu về ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là tình trạng bão lũ và sạt lở đất. Lượng mưa lớn cùng với địa hình cực dốc khiến vùng này trở nên nguy hiểm. Thiên tai thì không có cách nào chống lại, chỉ bằng giải pháp giảm thiểu như đắp đập đắp hồ, khôi phục rừng.
Ông Lung cũng cho rằng, trước nạn lũ lụt, sạt lở đất nhiều người “quy tội” cho thủy điện là không thỏa đáng.
“Thủy điện không sinh ra nước, cũng không tiêu nước. Nhưng nếu thủy điện mà không làm tốt quy hoạch, quản lý thì có thể gây hại rất lớn. Hãy quản lý cho tốt thủy điện bằng cách tôn trọng thiên nhiên. Trước khi làm thủy điện phải tính toán môi trường ở đó chịu tải được công suất bao nhiêu. Phải đánh giá tác động môi trường một cách trung thực khách quan” – ông Lung nói và cho rằng cách làm thủy điện nhỏ thời gian qua là một kiểu “ăn xổi”. Kêu gọi xã hội hóa, tư nhân hóa là đúng nhưng năng lực quản trị yếu kém sẽ gây ra hậu quả. Chủ đầu tư tư nhân thì mục tiêu của họ là lợi nhuận tối đa nên họ chỉ muốn khai thác tối đa công suất mà đầu tư ít nhất. Họ không muốn bỏ tiền trồng lại rừng, không tính đúng công suất mà môi sinh ở đó có thể chịu tải… Trong khi Hội đồng đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện nhỏ cũng thường không đủ năng lực để đánh giá tốt nên không có giải pháp giảm thiểu tác động môi trường. Từ đó dẫn đến cái gọi là “nhân tai” – GS Lung nói .