Chế sừng tê giác giả từ lông ngựa để ngăn nạn săn trộm

Sừng giả được chế tạo từ lông ngựa được kỳ vọng làm đảo lộn thị trường mua bán chợ đen, giảm giá trị sừng tê giác thật, giúp bảo vệ mạng sống cho loài tê giác.

Theo CNN, trong một nghiên cứu đăng tải hôm 8/11, các nhà khoa học từ Đại học Oxford cho biết đã tạo thành công mẫu vật giống sừng tê giác làm từ lông ngựa. Chiếc sừng giả có thành phần tự nhiên giống với sừng tê giác thật.

“Kết quả từ nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc làm chiếc sừng giả với đặc tính sinh học giống sừng thật rẻ và dễ dàng”, giáo sư Fritz Vollrath từ Đại học Oxford cho biết.

Sừng giả được chế tạo từ lông ngựa. (Ảnh: CNN)

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu phân tích chỉ ra sừng tê giác có bản chất là lông mọc ra từ mũi của con vật kết hợp cùng một số chất khác.

Việc tạo ra thành công những chiếc sừng giả được kỳ vọng sẽ làm đảo lộn thị trường mua bán sừng tê giác bất hợp pháp, giảm giá thành loại hàng hóa phi pháp này, từ đó giúp bảo vệ tê giác khỏi nạn săn bắn trộm.

Mặc dù vậy, một số ý kiến chỉ trích cho rằng việc tạo ra sừng giả sẽ không giúp làm giảm tình trạng săn bắn trộm, mà thậm chí sẽ gây khó khăn cho các lực lượng chấp pháp trong ngăn ngừa loại tội phạm này.

“Lực lượng chấp pháp sẽ khó phân biệt được hai sản phẩm thật và giả, đặc biệt nếu chúng được bán dưới dạng bột hoặc được tổng hợp trong các chế phẩm thuốc khác”, người phát ngôn Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới nhận xét.

Các nhà bảo tồn cưa sừng của tê giác để giúp chúng không bị những kẻ săn trộm giết hại. (Ảnh: Neville Kgaugelo Ngomane)

Nạn săn trộm và môi trường sống biến mất đã khiến số lượng cá thể tê giác suy giảm mạnh trên thế giới. Trong năm 2018, 892 con tê giác đã bị giết ở châu Phi.

Theo thống kê của Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới, hiện có khoảng 20.000 cá thể tê giác trắng, 5.000 cá thể tê giác đen và 3.500 cá thể tê giác một sừng còn sống sót. Một số loài tê giác trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng với ít hơn 90 cá thể trên toàn thế giới gồm tê giác Sumatra và tê giác Java.

Nguồn: