ThienNhien.Net – Theo Quyết định 176/QĐ-UBND ngày 17-12-1985 của UBND huyện Thống Nhất (cũ), toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp này được giao cho Trạm Trồng rừng huyện Thống Nhất (nay là Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ) quản lý, khai thác vào mục đích phủ xanh đất trống đồi núi trọc và phát triển vùng nguyên liệu giấy. Thế nhưng, sau nhiều lần “thay chủ, đổi tên”, phần lớn đất rừng trong tổng số 2.145 ha đất nông nghiệp tại đây đã bị mất trắng.
Xóa sổ hàng trăm hécta đất rừng
Lần theo bản đồ hiện trạng đất rừng của Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ hiện nay, chúng tôi không thể ngờ được những cánh rừng ngút ngàn của vùng Mã Đà, Trị An xưa kia-nay đã biến thành… những khu dân cư, nhà xưởng, xí nghiệp. Từ km1 đến km5 đường ĐT 767, hai bên đã không còn một mảng rừng xanh-vùng trồng nguyên liệu giấy và rừng phòng hộ cản lũ theo quy hoạch xây dựng Nhà máy Thủy điện Trị An.
Chỉ riêng Khu công nghiệp Sông Mây, đã “ngốn” hết hơn 800ha đất rừng. Còn lại, cũng bằng ấy diện tích là nhà dân, trang trại chăn nuôi, ao cá… “Vùng đất này được chuyển đổi mục đích sử dụng bao giờ?”. Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thành, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom nói chắc nịch: “Thì vẫn là đất lâm nghiệp nằm trong diện tích 2.415ha mà Quyết định 176 giao quản lý. Đã có khu nào chuyển mục đích sử dụng đâu. Tới đây tỉnh còn giao cho Khu công nghiệp Sông Mây thêm 200ha đất rừng nữa!”.
Đến khu B, ấp Sông Mây-trên bản đồ quản lý đất rừng được đánh số lô 21, nhưng chỉ thấy những khu trại chăn nuôi gà của Công ty TNHH Cargill Việt Nam. Trong số hàng chục hécta đất rừng mà doanh nghiệp này sử dụng có hơn 2ha trước kia được ông Lê Tất Tuyến, Nguyễn Văn Phúc và Nguyễn Văn Huệ hợp đồng với lâm trường trồng rừng nguyên liệu theo Chương trình 327. Hợp đồng chưa ráo mực và cây rừng mới chỉ lên quá đầu người, các hộ này phải vội vàng “bán non” để giao đất cho Công ty TNHH Cargill Việt Nam san ủi xây dựng các khu trại chăn nuôi. Việc xác nhận cho chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất rừng này đều do UBND xã Bắc Sơn thực hiện với cùng một nội dung: “Nguồn gốc nằm trong quy hoạch trồng rừng đã giao cho Công ty Nguyên liệu giấy, nhưng công ty không sử dụng và để hoang hóa”.
Tìm hiểu tại khu B, ấp Sông Mây, chúng tôi còn được biết hàng chục hécta đất rừng khác được quy hoạch là trồng rừng-trong khi đơn vị được giao quản lý, quy hoạch trồng rừng bỏ hoang hóa và người dân lấn chiếm-thì lại bị UBND xã Bắc Sơn thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây dựng nhà xưởng, khu du lịch sinh thái, trang trại nuôi hươu, nai, gà… Đây chính là nguyên nhân khiến những cánh rừng bạt ngàn xưa kia bị xóa sổ và đồng nghĩa với sự mất đi đó là lợi ích đất rừng được chuyển hóa sang cho một số ít cá nhân và tổ chức được hưởng lợi với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đất rừng chỉ còn… trên giấy
Tìm hiểu trong hồ sơ quản lý đất rừng theo Quyết định 176 giao cho Trạm Trồng rừng huyện Thống Nhất trước kia, chúng tôi thấy từ đó đến nay đã có 4 lần “thay chủ đổi tên” và lần thay đổi nào cũng không hề có biên bản kiểm kê và đánh giá hiện trạng đất rừng xem còn-mất bao nhiêu. Lần chuyển đổi từ Trạm Trồng rừng huyện Thống Nhất (không xác định được thời gian – PV) thành Lâm trường Nguyên liệu giấy Trị An (thuộc Sở Lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai)-trong sổ sách không đề cập đến diện tích đất rừng.
Các lần “thay chủ đổi tên” từ Lâm trường Nguyên liệu giấy Trị An thành Công ty Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ (Tổng Công ty Giấy VN) và sau đó là Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ (thuộc Công ty CP Giấy Tân Mai) hiện nay cũng đều không có số liệu đo đạc, bàn giao diện tích đất rừng.
Thấy tình trạng đất rừng có nguy cơ biến mất, cuối năm 2003 UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ báo cáo số liệu đất rừng thực tế trong tổng diện tích 2.415ha mà đơn vị nhận tiền thân là Trạm Trồng rừng huyện Thống Nhất. Thật bất ngờ ngày 14-11-2003, báo cáo của Công ty Nguyên liệu giấy Đông Nam Bộ cho thấy diện tích rừng chỉ còn 368ha.
Tuy nhiên, đến tháng 8-2004, trước khi bàn giao và chuyển đổi từ Công ty Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ sang Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ, diện tích đất rừng lại chỉ còn 289ha (thiếu so với báo cáo trước là 76ha). Giải trình về sự chênh lệch này, Công ty Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ cho rằng, Lâm trường Nguyên liệu giấy Trị An trước đó (năm 1992) khi bàn giao đã đo thiếu???.
Thế nhưng, đến tháng 9-2006-ở lần kiểm tra cuối cùng thì Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ lại đưa ra con số: diện tích đất rừng mà doanh nghiệp này quản lý hiện chỉ còn… 110,47ha, trong đó có cả 9,3ha đất vườn ươm và 1ha khu văn phòng xí nghiệp. Số liệu này cũng chưa phải là cuối cùng vì theo nhận định của Giám đốc Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đông Nam bộ Nguyễn Tư Huy: Muốn biết chính xác phải đo lại hết. Các số liệu hiện nay chỉ là… trên giấy.
Kỳ 2: Vụ mất hàng ngàn hécta đất rừng ở Trảng Bom (Đồng Nai): Cấp xã cũng ký giấy bán đất