Nên chuyển giao rừng tự nhiên cho Bộ TN&MT quản lý?

ThienNhien.Net –
“Chuyển việc quản lý rừng tự nhiên hiện nay từ Bộ NN&PTNT cho Bộ TN&MT, còn mảng nông – lâm nghiệp và khai thác rừng trồng, rừng sản xuất vẫn do Bộ NN&PTNT quản lý. Điều này sẽ giúp các nhà quản lý quản lý tốt hơn đất rừng tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học” – đây là nội dung đề xuất của nhóm chuyên gia tư vấn khi tham gia xây dựng Khung logic hệ thống giám sát và đánh giá thiết kế cho chiến lược ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 – 2020, dự án do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) chủ trì.


Đề xuất này, cùng với một số nội dung chi tiết về khung chỉ tiêu và khung thời gian xây dựng chiến lược… là những chủ đề chính được đưa ra bàn luận tại hội thảo tham vấn Chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 – 2020, do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng ngày 26/12.

Nhiều đại biểu cho rằng, đề xuất này khiến họ cảm thấy phân vân và lo lắng bởi khó có thể phân định được khái niệm “rừng tự nhiên”, “rừng trồng” và “rừng sản xuất”? Theo ông Vũ Văn Tuấn (nguyên cán bộ ngành tài nguyên và môi trường), trong ngành lâm nghiệp của ta từ trước đến nay, rừng vẫn được phân chia làm ba mảng là: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Vậy thì khái niệm rừng tự nhiên ở đây sẽ được hiểu như thế nào? cách xác định ra sao? Và liệu hiện nay chúng ta có còn rừng tự nhiên?

Ông Hà Chu Chử (Viện Kinh tế Sinh thái) cũng thắc mắc: “Tôi chưa hiểu được ý đồ của đề xuất này. Lâm nghiệp vốn là ngành quản lý rừng từ tự nhiên, từ khâu trồng cho đến chế biến lâm sản, vậy nếu chuyển loại hình rừng tự nhiên sang cho Bộ TN&MT thì sẽ chuyển như thế nào? Chưa tính đến hiệu quả của việc chuyển đổi nhưng nếu điều đó xảy ra thì rất có thể đến năm 2020, vấn đề môi trường sẽ có sự xáo trộn lớn”.

 

 PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc hội thảo.

Bà Lê Thị Kim Dung (Vụ Quản lý Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: Chỉ có thể dựa trên quan điểm về bảo tồn (vùng lõi) thì mới có thể phân định được tài nguyên rừng tự nhiên và rừng trồng, rừng sản xuất, còn dựa trên quan điểm khai thác thì không thể làm được. Hiện tại, chúng ta vẫn “động đến” các vùng đệm và vẫn khai thác ở các vùng đệm. Do đó, cần phải cân nhắc kỹ điều này, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng quản lý chồng chéo giữa các bộ ngành.

Ngoài nội dung đề xuất nêu trên, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về quan điểm cũng như phương pháp nghiên cứu Khung chiến lược. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của nhóm chuyên gia tư vấn trong việc xây dựng Khung chiến lược, vì chỉ trong một thời gian rất ngắn (khoảng hơn hai tuần), họ đã đưa ra được bảng thông số rất chi tiết về các chỉ tiêu và mục tiêu chiến lược cho từng lĩnh vực của ngành.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, phương pháp tiếp cận của Khung chiến lược vẫn chưa thực sự phù hợp với quan điểm xây dựng chính sách của Việt Nam, còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối tư duy của các nước phát triển. Nếu như chúng ta thường đưa ra mục tiêu trước, rồi xây dựng chiến lược, sau đó mới lập kế hoạch thực hiện thì các nước phát triển lại làm theo cách khác, họ thường đi từ việc đánh giá hiện trạng, sau đó mới đưa ra mục tiêu cụ thể, rồi cuối cùng mới xây dựng chiến lược và lập kế hoạch thực hiện. Chính điều này đã khiến Khung chiến lược quá “sa đà” vào các tiểu tiết mà “bỏ sót” những nội dung khái quát, tổng thể. Hệ quả là khá nhiều vấn đề về thể chế, nguồn nhân lực, trách nhiệm của Nhà nước, của các ngành kinh tế, về Luật tài nguyên, Luật môi trường… đã không được đề cập đến.

Do đó, theo ông Phạm Văn Tấn – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ TN&MT), việc mời chuyên gia tham gia xây dựng chiến lược là điều cần thiết, nhưng phải thống nhất mục tiêu chính, tổng quát trước đã, còn những chỉ tiêu cụ thể thì “để dành” trong phần kế hoạch, quy hoạch thực hiện, lúc đó mới tính là làm cụ thể những gì và làm ra sao?

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần bổ sung và điều chỉnh một số thông tin về lĩnh vực Tài nguyên biển và hải đảo, Khí tượng thủy văn, Bản đồ…, về vấn đề quản lý tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, đa dạng sinh học, một số dạng năng lượng mới, đồng thời loại bỏ một số chỉ tiêu, mục tiêu tiểu tiết không thực sự cần thiết. Đặc biệt, cần lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào Khung chiến lược bởi đây là vấn đề rất lớn, có ảnh hưởng đến tất cả các ngành và lĩnh vực, nhất là ngành tài nguyên môi trường.