Rộ trào lưu nuôi chim săn mồi làm thú cưng, bất chấp vi phạm

Trên nhiều hội, nhóm facebook, các tài khoản công khai mua bán chim săn mồi, chim hoang dã làm thú cảnh. Giá thành dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Đáng chú ý, các tài khoản này đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các loài chim này.

Nuôi chim săn mồi làm… thú cưng

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú cảnh vẫn liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương, đặc biệt tại nhà riêng, nhà hàng, quán cafe, nhằm thu hút sự chú ý, phục vụ nhu cầu giải trí, làm thú cưng. Trào lưu nuôi các loại chim săn mồi làm thú cưng cũng phát triển rầm rộ trong giới trẻ.

“Tôi mua con chim cắt này từ khi mới nở về nuôi lớn, giờ đã được 1,8 kg. Hiện nay những người buôn thường ấp trứng rồi bán chim con rất nhiều. Đây là chim nuôi nên tôi nghĩ là cũng không vi phạm gì”- T.B.H – một người nuôi chim săn mồi làm thú cưng chia sẻ.

Trên nhiều hội, nhóm facebook, các tài khoản công khai mua bán chim săn mồi, từ những chú chim non mới nở cho đến các cá thể trưởng thành; giá thành dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Đáng chú ý, các tài khoản này đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của các loài chim này.

Một người chuyên buôn bán, sang tay các loại chim săn mồi nuôi làm thú cưng tỏ ra thờ ơ khi bị hỏi về các vi phạm khi nuôi nhốt động vật hoang dã: “Tôi đều lấy hàng từ mối quen, chỉ thỉnh thoảng có thợ bẫy, bắt được chim săn mồi thì tôi mới mua lại rồi nuôi một thời gian lại bán đi kiếm lời. Nuôi bán mấy con chim thì ai bắt đâu mà sợ”.

Những cá thể chim săn mồi bị nuôi nhốt làm thú cưng. (Ảnh: Thùy Linh)

Bất chấp vi phạm

Chia sẻ với phóng viên Lao Động, đại diện Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết các vụ vi phạm liên quan tới nuôi nhốt trái phép khỉ, rùa, chim săn mồi liên tục được thông báo tới đường dây nóng của ENV.

Mới đây nhất, Cảnh sát Môi trường tỉnh Tây Ninh vừa phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Châu phát hiện và tịch thu 9 cá thể chim hoang dã là diều núi, diều đầu nâu, đại bàng đen, hù… tại nhà riêng của một đối tượng trên địa bàn. Các cá thể này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp

“Đối tượng này thường xuyên đăng tải rao bán các cá thể chim hoang dã lên mạng xã hội như Facebook, YouTube nhằm mục đích quảng cáo, rao bán phục vụ chơi cảnh”- đại diện ENV nói.

Các cá thể chim hoang dã được giải cứu tại Tây Ninh ngày 6.4. (Ảnh: ENV cung cấp)

Cũng theo ENV, chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, 21 cá thể khỉ đã được cơ quan chức năng cứu hộ khi chúng đang bị nuôi nhốt làm thú cảnh tại nhà riêng, chùa và các nhà hàng.

Trong tháng 3.2021, ENV ghi nhận số lượng lớn các cá thể động vật hoang dã được cứu hộ. Trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như khỉ (21 cá thể), rùa (9 cá thể), cự đà (4 cá thể), rái cá (4 cá thể), tê tê (2 cá thể) và một số loài khác như kỳ đà, trăn Miến Điện, chim săn mồi, vượn, cu li, mèo rừng.

Các vi phạm trên Internet liên tục bị xử lý như vô hiệu hóa 2 hội nhóm trên Facebook, khóa hơn 20 tài khoản Facebook và YouTube, đồng thời gỡ bỏ nhiều bài viết, quảng cáo vi phạm trên các trang mạng xã hội.

“Việc liên tục ghi nhận các bản án cứng rắn đang cho thấy những nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ và xử lý thành công các đối tượng vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Người dân có thể hỗ trợ bằng cách thông báo các hành vi tàng trữ, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã tới cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã miễn phí 1800-1522”- đại diện của ENV cho hay.