Có nên tạo tiền lệ xấu cho hành vi trái pháp luật?

ThienNhien.Net – Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về vấn đề nuôi nhốt hổ ở Bình Dương. Trong khi chờ đợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một quyết định chính thức, nhiều độc giả đã gửi thư về ThienNhien.Net và nêu lên suy nghĩ cũng như giải pháp xoay quanh vấn đề này.

Theo ý kiến của một chuyên gia bảo tồn, nếu đàn hổ kia được chuyển cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Sóc Sơn thì chưa chắc chúng đã được chăm sóc chu đáo và tốt như ở trại nuôi của ông Tân ở Công ty Bia Pacific. Tuy nhiên, nếu Nhà nước thu lại, họ có thể chuyển cho Vườn thú ở Hà Nội hoặc TP.HCM – những nơi có kinh nghiệm và chuyên môn để chăm sóc loài thú quý hiếm này.

Một tình nguyện viên trong lĩnh vực bảo tồn ủng hộ tuyệt đối việc thu hồi đàn hổ vì bất kể như thế nào thì việc làm của ông Tân là trái pháp luật, vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc tế. “Chúng ta không thể ủng hộ hành vi vi phạm pháp luật, vì nếu Nhà nước đồng ý cho ông Tân tiếp tục nuôi thì đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho việc thực thi luật pháp bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam”. Nếu Nhà nước cho phép, rất nhiều người có tiền khác sẽ tiếp tục thu gom thú rừng về nuôi như ông Tân mà không thể xử lý được.

Độc giả Dũng Nguyễn ở Hà Nội tâm sự: “Tôi là người đã từng theo dân miền núi đi săn khỉ, gấu, hổ, nai, hoẵng… Khi một con hổ bị bẫy, bắt và đem bán cho người giàu thì không chỉ mất đi một con hổ, mà kéo theo đó là một loạt hoạt động phá rừng, hủy hoại rừng, khuyến khích ngày càng có nhiều người săn bắn thú rừng… Chúng ta hãy thức tỉnh vì hậu quả không phải là mất đi những con thú đó, mà là mất rừng, và hậu quả tiếp theo là lũ lụt, cháy rừng, lũ quét, xói mòn… Và hậu quả nhãn tiền mà chúng ta đã từng chứng kiến là hàng trăm người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi, hàng chục gia đình trở lại tái nghèo và khốn khó. Chúng ta hãy thức tỉnh để hiểu được cội nguồn của vấn đề nuôi hổ rằng chính chúng ta, người thân chúng ta, những người dân nghèo, cộng đồng miền núi mới là những người bị thiệt hại nhiều nhất từ việc mở rộng nuôi hổ như ông Tân và những hành động phá rừng khác..”.

Xem xét vấn đề động cơ nuôi hổ của ông Tân, có độc giả (đề nghị giấu tên) khẳng định: “Tôi không bao giờ tin rằng ông Tân nuôi hổ là vì thương chúng và để bảo tồn. Hãy để thú hoang sống ngoài thiên nhiên. Anh thu mua nó, nghĩa là anh khuyến khích lâm tặc săn bắt và buôn bán, nhất là những loài có giá trị cao như hổ, gấu. Mọi người dân đều hiểu rằng mua hàng cấm, hàng phạm pháp là vi phạm pháp luật. Vậy tại sao chúng ta lại có thể đồng tình với việc thu gom và nuôi hổ của ông Tân được”. Theo độc giả này, ông Tân có thể nuôi hổ vì mục đích giải trí và thư giãn, nhưng là một nhà kinh doanh, lợi nhuận mới là điều ông ấy quan tâm, cho dù là trực tiếp hay gián tiếp, kể cả việc phải chờ đợi trong nhiều năm. Theo thời giá hổ sống hiện nay, ước tính ông Tân đã có 40 con hổ sống trưởng thành x 50.000USD/con = 2 triệu USD. Đó là cách kinh doanh siêu lợi nhuận từ thú rừng. Và với cách buôn bán này, chỉ có những người giàu, thích chơi sang mới làm những việc thiếu trách nhiệm với cộng đồng và môi trường tự nhiên như thế.

Ý kiến chung của một số cộng tác viên của ThienNhien.Net thì cho rằng, nếu Nhà nước không thu hồi đàn hổ này thì người khác có thể viện cớ “ông ấy mua và nuôi được thì tôi cũng có quyền làm thế”. Ở Việt Nam sẽ còn có hàng trăm người có thú chơi như ông Tân, và hàng trăm người này sẽ quyết định tương lai không mấy tốt đẹp của thiên nhiên Việt Nam, mà hậu quả là người dân phải gánh chịu…

Những người quan tâm đến thiên nhiên – môi trường đất nước đều mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà bảo tồn và cả những người kinh doanh như ông Tân cũng như người dân nhìn nhận vấn đề một cách sâu xa hơn, hơn chỉ là thảo luận ai sẽ nuôi đàn hổ này tốt hơn – giữa cơ sở của ông Tân bây giờ hay là trung tâm cứu hộ hoặc vườn thú trong trường hợp chúng bị thu hồi – để từ đó có quyết định đúng đắn cho việc xử lý hành vi săn bắn, vận chuyển, mua bán, thu gom và nuôi nhốt các loài ĐVHD quý hiếm của nước ta.