Hạn hán lưu vực sông Hồng và giải pháp

Gần đây, mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp, dự báo sẽ tiếp tục hạ thấp so với với trung bình nhiều năm (TBNN) trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và giao thông đường thuỷ. Chính vì vậy, việc đánh giá và phân tích những nguyên nhân, xu thế cũng như đề ra các giải pháp là rất quan trọng và đang được dư luận quan tâm.

Hạn hán dùng để chỉ hiện tượng khí hậu khi lượng mưa rơi trên lưu vực thấp hơn TBNN. Một cách định nghĩa hạn hán khác có thể được sử dụng là hiện tượng khi dòng chảy đến trong sông nhỏ hơn TBNN của chuỗi số liệu đo. Hạn hán cũng có thể được hiểu là hiện tượng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tình hình hạn hán thời gian vừa qua ở Việt Nam xảy ra trên diện rộng với mức độ khá trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ở nhiều địa phương như thiếu nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống hồ chứa thủy điện, suy giảm nước ngầm, tắc nghẽn giao thông thủy. Hạn hán cũng gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái lưu vực sông như ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông.

Diễn biến khô hạn lưu vực sông Hồng các năm gần đây

Sông Hồng bắt nguồn từ lãnh thổ Trung Quốc, có diện tích lưu vực tự nhiên 169.000 km2, trong đó phần thuộc lãnh thổ Việt Nam là 86.680 km2, bao gồm địa giới hành chính của 26 tỉnh Bắc Bộ. Trên lưu vực, hàng nghìn hệ thống công trình thủy lợi đã được xây dựng, cung cấp nước tưới cho 620.000 ha lúa chiêm xuân, 730.000 ha lúa mùa, hàng chục nghìn hécta rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả; phục vụ chống lũ kết hợp tiêu úng, bảo vệ hàng vạn hécta đất canh tác và các khu công nghiệp, dân cư đô thị trên toàn lưu vực. Nhờ có các công trình thủy lợi, hàng trăm nghìn hécta đất canh tác 1 vụ đã được chuyển sang 2 đến 3 vụ, năng suất cây trồng ngày một tăng.

Mặc dù lưu vực sông Hồng có tổng lượng dòng chảy khá lớn (khoảng 135 tỷ m3 /năm) nhưng phân bổ rất không đều theo thời gian trong năm. Tổng lượng dòng chảy 7-9 tháng mùa khô chỉ chiếm từ 20-30% tổng lượng dòng chảy năm. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, tình hình hạn hán trên lưu vực ngày càng trở lên khắc nghiệt. Năm 2003, mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa thiếu hụt 10-30% so với TBNN nên từ tháng 9/2003 đến tháng 3.2004, nhiều khu vực thiếu hụt khoảng 100-300 mm. Thời tiết khô hanh diễn ra liên tục dẫn đến bốc hơi mạnh nên dòng chảy đến trên các sông giảm khoảng 10-20% so với TBNN. Năm 2004, mùa mưa kết thúc sớm 1-2 tháng với lượng mưa 10 tháng đầu năm thiếu hụt 30% so với TBNN. Đầu năm 2005, dòng chảy đến trên hai nhánh sông Thao và sông Lô đều giảm khoảng 27-35%, dẫn đến tổng dòng chảy về toàn hệ thống tại Sơn Tây rất nhỏ, mực nước tại Hà Nội xuống đến 1,58 m (8.3.2005). Mùa khô 2005-2006, tình hình có khả quan hơn khi ở đầu mùa khô, hồ chứa Hòa Bình tích được đến mực nước dâng bình thường (117 m) và hồ chứa Thác Bà tích lên đến 58, 05 m. Mặc dù vậy, trong giai đoạn đầu tháng 2/2006, có lúc hồ Hòa Bình và Thác Bà gần như không xả nước xuống hạ du, dẫn đến mực nước sông Hồng tại Hà Nội hạ xuống mức 1, 38 m lúc 13 h ngày 20/2/2006.

Tình hình hạn liên tục trên lưu vực sông Hồng những năm gần đây, chủ yếu do những nguyên nhân sau:

– Diễn biến thời tiết hàng năm có nhiều biến động phức tạp, mùa mưa bắt đầu muộn và kết thúc sớm, lượng mưa hàng năm trên lưu vực giảm so với TBNN, đồng thời lượng bốc hơi lớn do thời tiết khô hanh (có thể là do ảnh hưởng của sự xuất hiện thường xuyên và kéo dài của hiện tượng El -Nino).

– Sự gia tăng dân số kéo theo quá trình phát triển của các ngành kinh tế cũng làm tăng mức độ phức tạp của hoạt động sử dụng nước trong khi phát triển thủy lợi còn chậm, thiếu công trình thủy lợi điều tiết nước giữa mùa mưa và mùa khô. Các hệ thống công trình thủy lợi hầu hết được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp và không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ở giai đoạn hiện tại.

– Việc điều tiết nước ở các hồ chứa lớn (Hòa Bình và Thác Bà) trong một số giai đoạn đầu mùa khô còn chưa phù hợp với nhu cầu nước hạ du.

– Công tác dự báo, nhất là dự báo dài hạn còn hạn chế, gây khó khăn lớn cho công tác đánh giá, lập kế hoạch sử dụng nước trong mùa khô.

– Một nguyên nhân cần phải được xem xét là khả năng lấy nước của một số hệ thống công trình thủy lợi vùng thượng nguồn sông Thao, thuộc lãnh thổ Trung Quốc, làm suy giảm dòng chảy đến Việt Nam về mùa khô.

Tình hình và dự báo hạn hán mùa khô 2006-2007

Trong mùa khô 2006-2007, tháng 12/2006, lượng mưa ở hầu hết các khu vực đều chỉ bằng 70-100% TBNN. So với TBNN thì dòng chảy đến hồ Hòa Bình tháng 11 và 12 thiếu hụt 20-27%; trên sông Thao, tháng 11 ở mức TBNN, tháng 12 vượt mức 21%; trên sông Lô thiếu hụt 15-25%. Trên sông Gâm, dòng chảy đến Tuyên Quang cao hơn TBNN, nhưng từ tuyến Tuyên Quang trở xuống thiếu hụt trầm trọng (70-80%). Tình hình trên dẫn đến dòng chảy về hạ lưu tại Sơn Tây hụt 50-55%.

Do dòng chảy thiếu hụt nên tại thời điểm ngày 1/1/2007, mực nước hồ Hòa Bình (117 m) và hồ Thác Bà (56,4 m) thấp hơn cùng thời kỳ năm 2006 với tổng dung tích thiếu hụt khoảng 580 triệu mét khối. Tuy vậy, hồ Tuyên Quang đã tham gia tích nước từ tháng 9/2006 được 1, 46 tỷ mét khối, có thể tham gia điều tiết trong thời kỳ đầu mùa khô 2006-2007.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, dự kiến giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2007, dòng chảy trên sông Đà thiếu hụt 15-20%, sông Thao ở mức TBNN, sông Lô thiếu hụt 70-83%, sông Hồng tại Hà Nội thiếu hụt 30-40%, mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 1, 4 m vào khoảng tháng 2 và tháng 3.2007. Bên cạnh đó, khả năng xuất hiện El -Nino còn tiếp diễn trong các tháng tới nên vẫn cần đề phòng hạn hán xảy ra trên diện rộng, gây khó khăn trong mùa khô 2006-2007.

Đề xuất giải pháp khắc phục

Điều độ liên hồ chứa: Để chuẩn bị đưa vào vận hành các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Hồng, trước mắt là hồ Tuyên Quang, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng quy trình điều tiết liên hồ chứa trên sông Hồng. Viện Quy hoạch Thủy lợi là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nghiên cứu xây dựng Quy trình vận hành hồ chứa bậc thang sông Đà, sông Lô điều tiết nước trong mùa khô cho hạ du sông Hồng – Thái Bình. Đến nay, các nội dung công việc đã cơ bản hoàn thành. Trong nghiên cứu, Viện đã xây dựng phương pháp tiếp cận mới gắn với đặc thù của hệ thống hồ chứa và hệ thống sử dụng nước lưu vực sông Hồng với sự hỗ trợ của mô hình toán thủy động lực học MIKE 11, công nghệ tối ưu vận hành hệ thống phân bổ nguồn nước GAMS. Đây là 2 công nghệ tiên tiến của thế giới hiện nay. Nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi đã đề xuất được quy trình vận hành hệ thống liên hồ chứa Hòa Bình – Thác Bà – Tuyên Quang, đề nghị sớm được đưa vào sử dụng để đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông thủy, môi trường…

Giải pháp quản lý: Trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

– Kiện toàn ban chỉ đạo để đảm bảo phòng chống hạn hiệu quả;

– Đánh giá, cân đối nguồn nước thực tế trên hệ thống sông, suối, ao, hồ;

– Kiểm tra lịch tưới cụ thể đối với từng công trình, có kế hoạch sử dụng nước linh hoạt, hợp lý và tiết kiệm;

– Thống nhất phối hợp giữa ngành nông nghiệp và ngành điện. Trên cơ sở số liệu dự báo khí tượng thuỷ văn sẽ vận hành xả nước từ các hồ chứa kết hợp triều cường, tận dụng mọi khả năng tích trữ của hồ, ao, đồng ruộng để giữ nước;

– Kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi; tiến hành nạo vét kênh mương, khai thông dòng chảy; kiểm tra chế độ cung cấp điện cho các trạm bơm, tăng cường các trạm bơm dã chiến;

– Kiên quyết thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất;

– Thông tin tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia thực hiện phòng chống hạn; biểu dương, khuyến khích cơ quan, cá nhân có sáng kiến phòng chống hạn.

Cùng với các nhiệm vụ trên, cần sớm khởi công xây dựng, đưa vào vận hành các công trình thủy lợi lớn phục vụ đa mục tiêu đã có trong quy hoạch trên lưu vực sông Hồng như các hồ chứa Sơn La, Bản Chát, Huổi Quảng, Nậm Chiến, Nậm Nhùn trên sông Đà; Bảo Lạc trên sông Gâm, Vân Lăng, Nà Lạnh trên sông Cầu – Lục Nam; hồ Hưng Thi, các cống Xuân Quang 2, Tắc Giang, Bến Mắm, Tân Đệ, Sông Mới…