Dân nữ chống lâm tặc

Rừng vùng Lãnh Ngọc Hiệp bị phá tràn lan. Gỗ lậu ngang nhiên từ mọi ngả chảy về xuôi, bình thản qua các trạm kiểm tra của kiểm lâm. Những hình ảnh nóng bỏng đó diễn ra hàng ngày trên tuyến tỉnh lộ từ huyện Tiên Phước – Trà My (Quảng Nam) khiến người dân ban đầu băn khoăn, rồi phẫn nộ và cuối cùng dần quen đến độ… bàng quan. Song, có một cô gái đã không chịu quen với những hình ảnh "bất bình giữa đường" đó và thuê máy quay phim, máy ảnh, một mình lặn lội nhiều ngày trong rừng sâu để "day tận trán" những cán bộ kiểm lâm "bắt tay" với lâm tặc. Đó là "dân nữ" Lâm Thị Hoài Vi – 24 tuổi, trú tại thôn 5, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Hành trình đi kiện…

Trong những ngày bận rộn thời điểm cận Tết Đinh Hợi 2007, Văn phòng Báo Lao Động tại Đà Nẵng đã tiếp một cô gái nhỏ nhắn, khăn gói lặn lội hơn 150km đường từ huyện miền núi Tiên Phước, Quảng Nam.

Trong tay cô mang theo một xấp đơn cùng đĩa VCD và hình ảnh minh hoạ, tố cáo một số cán bộ kiểm lâm địa phương đã thông đồng với lâm tặc để khai thác vùng rừng gỗ tốt tại quê mình. Đó là Lâm Thị Hoài Vi, 24 tuổi, con một gia đình nông dân ở thôn 5, xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước. Chỉ thoáng xem những đoạn phim quay thiếu tính chuyên nghiệp, chúng tôi đã hình dung sự nhọc nhằn và quá nguy hiểm cho Hoài Vi – thân gái một mình vượt rừng, băng qua đèo dốc để đến được các bãi gỗ giữa rừng sâu.

Hỏi cô tại sao lại liều lĩnh thực hiện công việc nguy hiểm này đơn độc vậy? Cô hồn nhiên: “Em tiếc rừng, tức cái cánh người giữ rừng lại tiếp tay cho kẻ phá rừng, không chịu được nên về Tam Kỳ thuê máy, nhờ hướng dẫn cách ghi hình là em vào rừng bí mật quay luôn hiện trường.

Chuyện này phải làm một mình chứ không là họ biết liền. Chưa nói chuyện bị hành hung giữa rừng, mà họ phi tang, mình cũng chẳng làm chi được”. Những thước phim đặc tả cảnh rừng bị phá ngổn ngang, trước đó đã được gửi đến nhiều cấp, ngành, nhưng lạ thay sự vụ vẫn không thấy ai đốc thúc ngăn chặn.

Và báo Lao Động là địa chỉ cuối cùng cô tìm đến, với hy vọng công luận sẽ góp phần cùng cô ngăn chặn nạn chảy máu trên những cánh rừng quê mình. Nhận được lửa từ tấm lòng của cô gái, chúng tôi ngược dòng sông Tiên, đến vùng rừng Tiên Phước ngay sau ngày Tết.

Dừng chân ở thị trấn huyện lỵ Tiên Kỳ để chuẩn bị vào vùng rừng Tiên Lãnh – Ngọc – Hiệp, chúng tôi tình cờ “giáp mặt” một “cựu lâm tặc” đã “rửa tay gác kiếm”, về mở quán càphê.

Thật bất ngờ, tay “cựu lâm tặc” chỉ ghé mắt xem đoạn phim “tang chứng” của Vi đã “thuyết minh” vanh vách những địa danh “Dương Chò”, “Sườn Lim”, Vũng Kiền Kiền” (do lâm tặc đặt tên cho những khu rừng gắn với các loại gỗ ở đó), rồi rừng Nà Thao, Nà Cao, rừng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc… như thể chính anh là người đã đi quay phim.

Nhưng anh lại chép miệng: “Tố cáo, sợ chỉ nhọc công thôi bởi rừng bị phá trước mắt, ai cũng thấy, cả người đốn gỗ lẫn kẻ “làm ngơ”, tiếp tay, nhưng rồi có ai xử lý đâu…”.

Ông Lâm Quang Minh – cha của Vi – nói: “Mấy ngày Tết ni hắn cũng “bám rừng” để thu thập chứng cứ cung cấp cho nhà báo”.

Nhà Hoài Vi sát tuyến độc đạo nối Tiên Lãnh – Ngọc – Hiệp – vùng rừng nguyên sinh duy nhất còn lại của huyện Tiên Phước (giáp ranh với các huyện Bắc Trà My, Hiệp Đức) với đồng bằng. Chứng kiến cảnh những xe tải, ngày đêm chở gỗ lậu lặc lè về xuôi, công khai, cô đã điện thoại báo Hạt Kiểm lâm huyện, rồi Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nhưng không hiệu quả.

Những lần sau, cô báo Công an huyện. Cũng không khá hơn. Cô gửi đơn tố cáo, chẳng có hồi âm. Vì vậy, cô quyết định thuê máy vào rừng chụp ảnh, quay phim, rồi tiếp tục viết đơn đi kiện, bởi cô không tin rằng, Nhà nước có thể làm ngơ với việc phá rừng. Và đến ngày cô tìm đến Báo Lao Động, thì thời gian đi qua các cửa công cũng đã mất tròn 6 tháng!

Với công khó và sự bướng bỉnh quyết liệt như vậy, từ chỗ lãnh đạm, người dân các xã vùng núi Tiên Lãnh – Ngọc – Hiệp đều đồng tình và ủng hộ việc làm của Vi. Nhiều người thừa nhận việc đốn gỗ cho lâm tặc để giúp cô lấy chứng cứ. Hồ sơ cứ dày lên nhưng hy vọng “có một ai đó” có trách nhiệm quan tâm đến lá đơn kiện của Vi thì cứ mỏng dần. Cũng có lần Vi “thắng kiện”.

Như hôm 10.12.2006, cô phát hiện 1 xe tải đang vận chuyển gỗ lậu về xuôi, bèn điện báo công an huyện. Sau khi công an huyện kiểm tra, kết luận đây là gỗ khai thác trái phép, vận chuyển lậu, đã giữ tang vật, chuyển Hạt Kiểm lâm Tiên Phước xử lý.

Song, Hạt Kiểm lâm chỉ phạt, tịch thu 1,5m3 gỗ xẻ rồi… thả cả xe gỗ lậu được tiếp tục chở về Tam Kỳ. Vì theo dõi sát việc xử lý như thế nên Vi đã kịp thời điện báo Hạt Phúc kiểm lâm sản Nam Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ. Kết quả chiếc xe này mới bị bắt, tịch thu hơn 14m3 gỗ chò thành phẩm còn lại với giá trị hàng trăm triệu đồng.
 
Tan hoang vùng rừng “tam giác voi”

Các thống kê mới nhất của UBND huyện cho thấy, tình hình phá rừng rất nghiêm trọng. Riêng trong năm 2006 đã có hàng chục hécta rừng bị đốn hạ, hàng trăm mét khối gỗ quý bị khai thác, vận chuyển trái phép về xuôi. Đặc biệt, tình trạng khai thác gỗ lậu diễn biến phức tạp ở vùng rừng núi Tiên Lãnh – Ngọc – Hiệp giáp ranh với các huyện. Riêng 3 xã này có trên 500 con trâu kéo gỗ, 5 xe công nông, 20 máy cưa lốc…

 
 Một bức ảnh rừng nguyên sinh bị tàn phá do Lâm Thị Hoài Vi cung cấp

Tình trạng phá rừng ồ ạt ở đây đã diễn ra từ lâu, nhưng vì sao vẫn không được ngăn chặn? Cho đến khi xảy ra chuyện “Hoài Vi đi kiện”, huyện mới tổ chức đội liên ngành kiểm tra, thì hiện trường chỉ còn là cảnh rừng bị phá tanh bành? Để tìm câu trả lời về sự trớ trêu này, chúng tôi đến Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước.

Cơ quan làm việc, mọi phòng đều mở cửa, song tất thảy cán bộ kiểm lâm có mặt đều từ chối làm việc với nhà báo, kể cả người phụ trách công tác pháp chế. Mọi việc đều đổ lên ông hạt trưởng. Nhưng ông này thì… đi vắng, không biết khi nào về. Điện thoại di động ngoài vùng phủ sóng. Theo lời hẹn của các cán bộ Hạt Kiểm lâm, chúng tôi đã mất nửa ngày chờ, song ông hạt trưởng vẫn biệt tăm…

Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – ông Phạm Văn Đốc thừa nhận: “Việc chỉ có tuyến độc đạo để đưa gỗ lậu về xuôi, mà lâm tặc vẫn đi lọt, và việc Hạt Kiểm lâm thả xe tang vật chở gỗ lậu nói trên quả là “có vấn đề”.

Về đơn tố cáo của cô Vi, UBND huyện rất quan tâm, đã lập tức chuyển Công an huyện điều tra vụ việc, và vừa yêu cầu công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, xem đây là vụ án trọng điểm năm 2007. Đích thân Chủ tịch huyện chỉ đạo, giám sát vụ việc này. Có hay không việc kiểm lâm tiếp tay cho “lâm tặc” phá rừng, thì còn chờ kết quả điều tra từ công an, tuy nhiên có thể nói là lực lượng kiểm lâm đã bất lực trong việc giữ rừng”.

Con đường đất vào vùng rừng “tam giác voi” Tiên Lãnh – Ngọc – Hiệp vốn quanh co, nhiều hố vực, giờ càng thêm gập ghềnh bởi xe chở gỗ quá tải cày nát. Cánh rừng nguyên sinh duy nhất vốn là nhà của đàn voi rừng hiếm hoi còn sót cũng theo đó tan hoang.

Chúng tôi chợt rùng mình nhớ lại cảnh dân làng không chỉ vùng “tam giác voi” này, mà cả ở huyện giáp ranh Bắc Trà My hốt hoảng không ngủ cả tháng trời để đốt lửa, khua chiêng trống, nồi soong đuổi đàn voi rừng hung dữ năm nào cũng về “quậy phá” nhà cửa, ruộng vườn, thậm chí từng giày chết người.

Một nghịch lý bày ra: Chính quyền cấm dân không được làm nương rẫy sâu vào trong rừng để bảo vệ sinh cảnh cho đàn voi, nhưng việc “lâm tặc” ngày đêm phá tan nát rừng già – nơi sinh sống của đàn voi, thì gần như không có biện pháp nào. Lại càng hiểu vì sao cô sơn nữ Lâm Thị Hoài Vi dám gan dạ, thân gái xông vào rừng sâu thu thập chứng cứ “lâm tặc” phá rừng, tố cáo các “thế lực ngầm” đứng đằng sau.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Đốc cho chúng tôi biết, bước đầu điều tra cho thấy những tố cáo của cô là đúng sự thật, có cơ sở và đáng tuyên dương. UBND huyện đang hoàn tất hồ sơ để khen thưởng đột xuất Lâm Thị Hoài Vi vì đã có thành tích chống tiêu cực. Nhưng, có lẽ, cái mà cô “dân nữ” này trông đợi nhiều nhất, là một kết luận điều tra chính xác, đưa được “các loại phá rừng” ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh để giữ được màu xanh cho cánh rừng già quê hương cô.