Đề xuất xây hồ chứa nước trên sông Sài Gòn

Ngành nước TP HCM chuẩn bị nhiều kế hoạch dài hơi để bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, trong đó đáng chú ý nhất là đề xuất xây hồ chứa trên sông Sài Gòn.

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), tuy mới đầu mùa khô năm 2020 nhưng nguồn nước tại các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có những diễn biến thất thường khi độ mặn liên tục tăng. Dự báo mùa khô này có thể vượt ngưỡng kỷ lục năm 2015-2016 (thời điểm Nhà máy nước Tân Hiệp phải ngừng lấy nước nhiều lần do độ mặn vượt ngưỡng 250 mg/lít). Để đối phó, ngành nước TP HCM đã chuẩn bị nhiều kịch bản để bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân.

Những kịch bản khi độ mặn vượt 250 mg/lít

Đơn cử, tại Nhà máy nước Tân Hiệp 1 (đơn vị lấy nước thô từ sông Sài Gòn) từ cuối năm 2019 đã ban hành quy trình vận hành nhà máy khi độ mặn tăng cao. Ông Trần Duy Khang, Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp 1, cho biết kịch bản ứng phó được đưa ra với 5 cấp độ. Cụ thể, ở cấp độ từ 1 đến 3 (khi độ mặn từ 50-100 mg/lít, từ 100-150 mg/lít, từ 150-200 mg/lít) khá dễ dàng, nhà máy nước sẽ theo dõi liên tục độ mặn nước sông qua hệ thống quan trắc online, các phân xưởng điều hành sẽ cập nhật trung bình 4 lần/giờ, kết hợp theo dõi triều cường để dự báo thời điểm độ mặn có khả năng tăng cao trong ngày. Ở cấp độ 4, khi độ mặn từ 200-250 mg/lít, ngoài việc theo dõi chặt chẽ, liên tục, nhà máy nước sẽ đề nghị đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng sẵn sàng hỗ trợ xả nước đẩy mặn bảo đảm cung cấp nước cho người dân TP.

Nhân viên Nhà máy nước Tân Hiệp 1 kiểm tra, theo dõi chất lượng nước tại khu vực bể lắng lọc.

Theo ông Khang, đáng lo nhất khi độ mặn từ 250 mg/lít trở lên (cấp độ 5), lúc này nhà máy nước sẽ ngừng lấy nước thô tại sông Sài Gòn, đề nghị hồ Dầu Tiếng đẩy nước xả mặn đến khi khi độ mặn giảm dưới mức 250 mg/lít mới lấy nước trở lại. Trong thời gian ngừng lấy nước từ sông Sài Gòn, nếu Nhà máy nước Kênh Đông vẫn bơm nước về Nhà máy nước Tân Hiệp thì không đáng lo, trường hợp Kênh Đông không bơm nước về Tân Hiệp thì các hồ dự trữ vẫn bảo đảm nước sạch cho người dân trong thời gian chờ độ mặn giảm.

Tại Nhà máy nước Tân Hiệp 2, các phương án ứng phó cũng tương tự. Theo ông Trương Khắc Hoành, Giám đốc nhà máy nước này, thực tế độ mặn đo được ở các sông Sài Gòn và Đồng Nai hiện nay dưới 200 mg/lít, thông thường độ mặn ở sông Đồng Nai hiếm khi vượt ngưỡng 250 mg/lít, riêng sông Sài Gòn có nhiều thời điểm vượt ngưỡng nhưng chỉ diễn ra từ 1-2 giờ, lúc này các nhà máy nước sẽ tạm ngừng lấy nước và sau khi độ mặn giảm, việc lấy nước diễn ra bình thường. “Mỗi ngày, công suất phát nước của TP HCM khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm nhưng nhu cầu dùng chỉ xấp xỉ 2 triệu m3/ngày đêm, chưa kể các hồ chứa dự trữ tại các nhà máy nước có thể cung ứng nước từ 8-10 giờ nên không lo thiếu nước cho người dân trong điều kiện mặn vượt ngưỡng kéo dài không lâu” – ông Hoành phân tích.

Nghiên cứu ngăn sông, xây hồ chứa

Không chỉ đề ra nhiều kịch bản ứng phó bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô, ngành nước TP còn có những kế hoạch dài hơi nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho nguồn nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là đề xuất nghiên cứu xây hồ chứa trên sông Sài Gòn để “cách ly” nguồn nước, hạn chế nguồn ô nhiễm từ các hoạt động xả thải công nghiệp trên sông Sài Gòn.

Trao đổi thêm, ông Trần Kim Thạch, Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng nước của SAWACO, cho rằng hiện SAWACO lấy nước thô của sông Đồng Nai (Nhà máy nước Thủ Đức 1) và sông Sài Gòn (Nhà máy nước Tân Hiệp 1) để sản xuất thành nước sạch cung cấp cho người dân TP, trung bình gần 2 triệu m3/ngày đêm. Do đó, việc xâm nhập mặn, chất lượng nguồn nước thô là vấn đề SAWACO luôn quan tâm. Hiện nay, bước vào mùa khô, SAWACO đã phối hợp với hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An chuẩn bị kế hoạch xả nước đẩy mặn khi độ mặn vượt ngưỡng, đồng thời tích trữ lượng nước của 2 hồ này luôn đủ để duy trì độ mặn dưới 250 mg/lít.

Ngoài ra, vừa qua, SAWACO đã hoàn thành việc nâng công suất các bể chứa nước sạch của các nhà máy nước, tăng khả năng lưu trữ lượng nước lên 8-10 giờ để bảo đảm duy trì lượng nước cung cấp cho người dân khi có sự cố. Về lâu dài, để bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước, đối với nguồn nước sông Sài Gòn, SAWACO đề xuất phương án xây dựng hồ chứa cho sông Sài Gòn theo 1 trong 2 phương án. Phương án 1 là xây một hồ chứa mới trên sông Sài Gòn; phương án 2 là ngăn một đoạn sông để tạo thành hồ chứa.

Theo đánh giá của SAWACO, việc xây dựng hồ chứa trên sông Sài Gòn rất cần thiết do khu vực này còn quỹ đất nông nghiệp nên sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư hơn các khu vực khác. Ngoài ra, hiện nay, sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng ô nhiễm và xâm nhập mặn nhiều hơn sông Đồng Nai nên việc xây hồ chứa sẽ giúp dự trữ và cung cấp nước thô cho cụm xử lý nước Tân Hiệp trong khoảng từ 1-3 ngày liên tục khi bị ô nhiễm, đồng thời góp phần vào việc chống ngập cho TP HCM khi có lượng mưa lớn đầu nguồn. “Tuy nhiên, để thực hiện các phương án trên, cần phải có các đánh giá, nghiên cứu chi tiết, chuyên sâu; riêng sông Đồng Nai chưa cần nghiên cứu ngăn đoạn sông do việc phối hợp đẩy nước xả mặn với Công ty Thủy điện Trị An rất hiệu quả” – ông Thạch nhận định.

TP. HCM tiếp nước ngọt cho ĐBSCL

Từ đầu tháng 3 đến nay, hàng ngàn mét khối nước sạch được các đơn vị cấp nước TP HCM chi viện cho người dân tại các huyện Thạnh Phú, Giồng Trôm của tỉnh Bến Tre. Nguồn nước này được vận chuyển trên sà lan, vượt hàng trăm kilômét đường sông từ TP HCM đi đến các tỉnh đang thiếu nước ngọt do xâm nhập mặn tăng cao. Đây là công trình “150.000 lít nước ngọt nghĩa tình” cho người dân vùng hạn mặn ĐBSCL của tuổi trẻ SAWACO và Khối Dân Chính Đảng TP HCM thực hiện.