Chốn trú ẩn cuối cùng của sao la (kì 1)

Các chuyên gia về động vật hoang dã cảnh báo: sao la (Pseudoryx nghetinhensis)- một loài thú móng guốc quý hiếm của Đông Nam Á có nguy cơ sớm bị tuyệt chủng. Tại Việt Nam, một viện nghiên cứu đang nỗ lực trong việc nhân bản chúng – và gây nhiều tranh luận trong giới khoa học.

Sao la là loài động vật có họ hàng với bò, dê và linh dương. Sao la hiếm đến nỗi ngay cả nhà động vật học Đỗ Tước, người phát hiện ra chúng năm 1992, cũng chưa bao giờ tận mắt quan sát chúng trong tự nhiên. Sao la là loài động vật rất nhút nhát, chúng thích ăn một loại lá cây to, màu xanh thẫm, thuộc họ Ráy (Araceae). Nhà khoa học Đỗ Tước cho biết: “Ít nhất chúng tôi đã quan sát được những vết gặm của chúng”.

Trong thập kỷ trước, sao la được cả thế giới chú ý vì là loài thú lớn đầu tiên được phát hiện trong vòng hơn nửa thế kỷ qua. Cuộc điều tra gần đây cho thấy loài móng guốc kỳ lạ này đang trên bờ tuyệt chủng. Tối đa chỉ có khoảng 250 cá thể sao la rải rác trong dãy Trường Sơn tại biên giới miền Trung Việt Nam – Lào.

Hiện nay, các nhà khoa học đang nỗ lực bảo vệ loài động vật đặc biệt nguy cấp này. Đã có cả một bản Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia về bảo tồn sao la tại Việt Nam – trong đó quy định những biện pháp bao gồm cả lệnh cấm săn bắn nhằm bảo đảm sự sống sót của loài sao la.

Trong khi đó, một nhóm nhà khoa học Việt Nam đang theo đuổi phương sách bảo tồn cuối cùng là cố gắng nhân bản sao la. Tuy nhiên, nhân bản tế bào sôma rất khó, thậm chí ngay cả với những loài thú đã được nghiên cứu kỹ, trong khi “Chúng ta hầu như chưa biết gì về sao la” (TS Nguyễn Xuân Đặng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật).

Cần quan tâm đến loài đang bị đe doạ tuyệt chủng hơn là một loài sinh vật cổ vô danh còn sót lại. Hệ sinh thái sao la sinh sống cũng là ngôi nhà của rất nhiều loài sinh vật, trong đó có hai loài mang không có mặt tại bất kì nơi nào khác trên thế giới. Bảo vệ được những loài thú đặc hữu này sẽ là “một thành công để các nước khác noi theo” (Barney Long, nhà sinh học bảo tồn của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), hiện đang cộng tác với các nhà khoa học và các cơ quan bảo vệ sao la tại miền Trung Việt Nam).

Tuy nhiên, lợi thế lại không nghiêng về Barney Long và tổ chức của ông. Ông Đặng cho biết: “Các quỹ bảo tồn có thể dễ dàng tài trợ cho các loài linh trưởng, hổ, voi và tê giác. Còn với loài sao la, chúng tôi thậm chí không có tiền để giáo dục cộng đồng, khuyến cáo người dân không được săn bắn chúng”. Kế hoạch hành động tại Việt Nam ghi rõ: “Nguồn lực và sự quan tâm dành cho sao la hiện nay không đủ để có thể bảo vệ chúng khỏi nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần”.

Săn bắt làm đồ trang trí

Trong khi các nhà sinh học say mê vẻ thần bí của sao la thì những người dân bản Tùng Hương tại ranh giới của Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát lại là kẻ thù nguy hiểm của chúng. Rất ít người trong cộng đồng dân tộc Thái nơi đây được tận mắt thấy sao la và một khi họ nhìn thấy thì hậu quả đối với loài ăn cỏ nhút nhát này bao giờ cũng rất tồi tệ.

Trong căn nhà sàn gỗ, một người nông dân tên Lô Văn Tình ngồi bắt chéo chân cùng với bốn thế hệ gia đình ngồi xung quanh ông và kể lại câu chuyện cách đây 10 năm. Khi ông đang săn rùa ở con suối trên núi, con chó của ông đã phát hiện ra một con sao la mẹ cùng một con con đi ngược dòng và đuổi theo. Con sao la mẹ chạy thoát nhưng sao la con thì bị dồn vào một góc và đứng ở tư thế phòng thủ. Chuyên gia về sao la William Robichaud, nhà động vật học người Lào tại Khu bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia Na Kai Nậm Thơn (Nakai-Nam Theun) – cho biết: Mặc dù trong nuôi nhốt, sao la không hề có dấu hiệu sợ người, nhưng khi đối diện với một con chó, nó thở phì phì và cúi thấp đầu xuống, khua đôi sừng dài và thẳng của nó. Điều đó làm cho sao la dễ dàng bị bắn và con non dễ dàng bị bắt. Ông Tình kể: “Tôi tóm lấy nó bằng tay không. Con sao la không thể sống sau 2 ngày trên đường đi về bản Tùng Hương nên tôi và gia đình đã ăn thịt nó. Nó có mùi vị giống thịt bò nhưng không ngon bằng”.

Trong một căn nhà khác gần bản Tùng Chính, các nhà khoa học tìm thấy một cặp sừng sao la treo tại một vị trí trang trọng, cạnh một bức tranh người mẫu Việt Nam với nụ cười rạng rỡ trên môi. Đôi sừng nâu thẫm, dài khoảng 40 cm, dài hơn hai lần chiều dài của cái đầu với lớp lông ngắn thô, màu nâu hạt dẻ. Đối với người dân địa phương, đôi sừng gần như song song này khá giống với những con suốt gỗ song song dùng trong guồng xe sợi (do đó loài vật này được người Thái gọi là “Sao lả”: “sao” có nghĩa là “con suốt” và “lả” có nghĩa là “guồng xe sợi”. Sau này người ta gọi quen là “sao la”). Sọc lông trắng trên mắt trông giống như một mảng màu trang trí sặc sỡ.

Hành trình phát hiện ra sao la

Từ những phát hiện tại nhà dân, nhà khoa học Đỗ Tước đã phát hiện ra sao la. Tháng 5/1992, ông là thành viên nhóm khảo sát của Bộ Lâm nghiệp do WWF tài trợ, được cử đến vùng rừng Vũ Quang (cách Pù Mát chừng 100 km về hướng Đông Nam) để khảo sát đa dạng sinh học trước khi Vũ Quang được công nhận là KBTTN. Đỗ Tước nói chuyện thân mật với dân làng địa phương và khéo léo gợi ý được mời đến chơi nhà một thợ săn trẻ, tại đây đội khảo sát đã nhìn thấy chiếc sọ và đôi sừng rất khác thường. Ngay lập tức, ông nghĩ rằng đây là một loài linh dương mới. Nhưng thật kì lạ vì linh dương thường thích những vùng khô hạn hơn, mà phần lớn vùng Trường Sơn lại ẩm ướt do gió mùa. Băn khoăn với điều này, ông nhờ các thợ săn địa phương tìm kiếm những tiêu bản khác. Ngay sau đó, nhiều cặp sừng được tìm thấy và đây là bằng chứng thuyết phục các nhà khoa học rằng họ đã thực sự tìm ra một loài mới, và họ đặt tên nó là “bò Vũ Quang”.

WWF tiếp tục tài trợ cuộc khảo sát tiếp theo và vào tháng 11/1992 đã phát hiện khoảng hai tá cặp sừng và một bộ da sao la còn nguyên vẹn. Phân tích ADN cho thấy đây là một loài bò mới. Tạp chí Nature xuất bản năm 1993 đã đưa ra tên khoa học của loài này là Pseudoryx nghetinhensis. Những phân tích ADN sau này cho thấy gia súc là họ hàng gần nhất với loài động vật này.

Tại Lào, năm 1993, những người dân địa phương cũng nhìn thấy loài thú này và sừng của chúng cũng được treo làm đồ trang trí. Cái tên bò Vũ Quang liên quan đến hai tỉnh ở Việt Nam, nơi lần đầu tiên tìm được tiêu bản của chúng. Sau đó, tên này sớm được chuyển thành Sao la, một cái tên ít mang tính địa phương hơn và thể hiện được nguồn gốc lịch sử của nó. Theo Robichaud, tài liệu đầu tiên viết về loài động vật này là một quyển từ điển Pháp-Lào đầu thế kỷ 20, trong đó xác định sao la là “một loài linh dương núi đá”.

Sao la là loài thú lớn đầu tiên được phát hiện kể từ khi loài Bò xám, một loài bò hoang dã ở Đông Nam Á, được phát hiện vào năm 1937. Năm 1994, Đỗ Tước và các đồng nghiệp lần đầu tiên miêu tả loài mang sừng lớn (trước đó gọi là mang lớn) và tiếp tục miêu tả loài mang Trường Sơn vào năm 1997 (cả hai đều được phát hiện cùng lúc tại Lào). Với việc phát hiện ba loài thú lớn đó, Đỗ Tước đã trở thành một huyền thoại trong ngành chuyên nghiên cứu những loài động vật chưa được biết đến. Ông tâm sự: “Tôi thật sự rất may mắn”.
(còn nữa)