Rất cần lập lại trật tự trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

Những ngày gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) rất được dư luận quan tâm. Liên tiếp những vụ việc xảy ra khiến cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất kinh doanh chân chính không thể không lo ngại.

Vụ việc nổi cộm đầu tiên phải kể đến là việc Bộ Y tế Nhật Bản liên tục ra các khuyến cáo đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam, bởi nhiều lô hàng này có dư lượng hóa chất có hại vượt mức tiêu chuẩn cho phép. Vì thế từ nay trở đi, toàn bộ các lô hàng tôm nhập khẩu vào Nhật Bản đều phải qua kiểm dịch y tế, gây nhiều ách tắc và tốn kém cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Trong trường hợp các vi phạm còn tái diễn, nguy cơ mất thị trường Nhật Bản là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Đồng thời, vụ việc còn làm mất uy tín con tôm Việt Nam, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới với doanh thu hàng năm gần cả tỷ đô la.

Nhưng chuyện mất an toàn thực phẩm không chỉ xảy ra với con tôm mà còn ở nhiều mặt hàng khác, trong đó có cả thịt heo, một thực phẩm rất quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày. Với việc sử dụng những hóc-môn tăng trưởng bị cấm trong việc pha trộn thức ăn chăn nuôi, như các chất clenbuterol và salbutamol, sản phẩm thịt heo có thể gây ra những rối loạn chức năng của tim và phổi, nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố danh tánh 6 doanh nghiệp có sử dụng các hóa chất bị cấm này để người tiêu dùng cảnh giác. Đây là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Nhưng đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi nhiều doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn lần lữa trong việc gửi mẫu kiểm định hoặc có hành vi gian lận trong quá trình kiểm tra.

Thực tế cho thấy việc lạm dụng các loại hóa chất có hại trong việc nuôi trồng, bảo quản nông sản thực phẩm là rất phổ biến hiện nay. Vừa qua thị trường Hà Nội đã lại râm ran chuyện tái sử dụng các loại hoá chất bảo quản (vốn chỉ dùng để ướp các xác chết) đang được lén lút dùng để pha trộn làm bánh phở, bất kể điều này có thể phá đi “danh bất hư truyền” của một món ăn “quốc hồn quốc túy” của dân tộc. Ngoài ra, rất nhiều mẫu rau quả được kiểm tra, kể cả các rau quả của nước ngoài nhập về đều có tỉ lệ nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép nhưng vẫn đang bày bán tràn lan trên thị trường. Có thể thấy việc lạm dụng các loại hóa chất bảo quản và bảo vệ thực vật là rất đáng báo động. Thậm chí trong nhiều trường hợp đã dẫn đến việc cây trồng vật nuôi “lờn” thuốc, làm cho dịch bệnh lây lan, kéo dài, khó khắc phục, như bệnh vàng lùn lá lúa trên đồng ruộng hoặc tình trạng cá tra chết hàng loạt như vừa qua.

Rõ ràng, việc tiếp tục xây dựng và ban hành, phổ biến các quy chuẩn về vệ sinh ATTP là rất cần thiết. Đồng thời phải nêu cao tính pháp lý, xử lý thật nghiêm khắc các cơ sở cố tình vi phạm, nhằm lập lại trật tự trong lĩnh vực lâu nay gần như đã bị lãng quên này. Đặc biệt, việc đưa nhiều kỹ thuật và công nghệ nuôi trồng sinh thái vào đồng ruộng, vận động tuyên truyền để bà con nông dân hiểu rõ việc sản xuất thực phẩm an toàn là danh dự, là lẽ sống còn. Bởi việc lạm dụng các hóa chất bảo quản, bảo vệ thực vật, mất vệ sinh ATTP không chỉ làm tổn hại đến các thị trường xuất khẩu, mà còn khiến cả người tiêu dùng trong nước tẩy chay.