Cô, trò và chuyện trừ sâu hại

Một loại thuốc trừ sâu sinh học không gây hại môi trường là kết quả đề tài nghiên cứu vừa đoạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC 2006 và là ứng viên duy nhất cho Giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Lê Thùy Quyên, tác giả công trình khẳng định: Thành công này ghi dấu công lao một người thầy.

Trang bị kiến thức, truyền niềm đam mê

“Tôi học được ở PGS.TS Phạm Thị Thùy, người hướng dẫn của mình những tố chất của một người nghiên cứu. Đó là sự tỉ mỉ, cẩn thận và sáng tạo”. Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae Sorok để ứng dụng phòng trừ sâu hại cây trồng” của Quyên có thuận lợi là làm trên nền nghiên cứu ứng dụng nấm Metarhizium trừ côn trùng gây hại đã từ nhiều năm nay của PGS.TS Phạm Thị Thùy, song không vì thế mà thành công đến dễ dàng.

Chế phẩm vi nấm Metarhizium anisopliae Sorok (nấm Ma) được Thùy Quyên nghiên cứu trong 1 năm. Trong một năm ấy, cô sinh viên Hà thành đã làm quen với công việc nhà nông từ cuốc đất, nhổ cỏ, bắt sâu… Ngày mới tới Viện Bảo vệ thực vật ở Đông Ngạc, Từ Liêm (Hà Nội) thực hiện đề tài, cô không phân biệt được đậu tương xanh và đậu tương chín, không dám nhìn sâu. Mỗi ngày cần tới 160 con sâu để làm thí nghiệm, lúc đầu gắp bằng panh nhưng sâu chết, lại mất thời gian. “Khi ấy cô Thùy nói “cứ liều bắt bằng tay” và tự tay cô bắt bỏ vào bình, tôi dần hết sợ”, Quyên tâm sự. Giờ đây, Quyên có thể phân biệt hàng chục loại sâu hại và côn trùng có ích để không “giết nhầm”.

Đó là chuyện bắt sâu, còn làm thí nghiệm, cô và trò cũng có nhiều kỷ niệm. Đó là lúc thiếu dụng cụ thí nghiệm, cô và trò cùng ra chợ tìm mua lọ thủy giá rẻ bằng một nửa bình tam giác mà chất lượng vẫn đảm bảo. Hay khi thời tiết thuận lợi, hai cô trò làm thí nghiệm tới 7-8 giờ tối để bù những tháng thời tiết quá nóng, quá lạnh, nấm không phát triển được.

“Sinh viên có nhiệt tình, có kiến thức nhất định sau hai, ba năm học, song rất khó tự làm nghiên cứu, nhất là đối với các đề tài thực nghiệm. Cốt lõi là các em phải được định hướng tốt và được thực hành ở các phòng thí nghiệm của đơn vị nghiên cứu để làm quen cách phối hợp nghiên cứu, phương pháp tư duy”, PGS.TS Phạm Thị Thùy nhìn nhận.

Thuốc trừ sâu không gây ô nhiễm môi trường

Nghiên cứu thành công chế phẩm nấm Ma, Thùy Quyên đã phát triển và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học, Đại học Phương Đông. Chế phẩm nấm Metarhizium anisopliae Sorok được sản xuất từ chủng nấm chiết xuất từ những con sâu chết ngoài đồng ruộng, sau đó trộn lẫn với bột đậu, cám, trấu…, ủ 28-30 ngày ở nhiệt độ 25-30 độ C cho nấm sinh sôi.

Bà con nông dân dễ dàng sử dụng chế phẩm này bằng cách pha nấm với nước, lọc qua 2 lần vải màn rồi lấy dịch đem phun. Sau khi phun, nấm ngấm dần vào cơ thể côn trùng có hại, làm tê liệt dần các hoạt động của chúng cho đến chết. Chế phẩm trừ được các loại sâu như sâu xanh bướm trắng, sâu khoang hại rau, mối đất hại cây ăn quả, bọ hung hại mía, châu chấu…, không gây ô nhiễm môi trường, không độc hại với người sử dụng và bảo vệ được các loài côn trùng có ích. Trong mô hình sản xuất nấm tối ưu của Quyên có điểm thú vị là sâu hại chết vì nấm, chúng lại mọc thành nấm, tiếp tục hành trình diệt trừ sâu bệnh.

Mong muốn giờ đây của Lê Thùy Quyên là nghiên cứu trồng nấm trên các vật liệu rẻ tiền hơn như vỏ dừa để hạ giá thành sản phẩm. Mỗi kg chế phẩm hiện bán 50.000 đồng, còn khá cao so với thuốc trừ sâu hóa học chỉ 7000-8000 đồng/ túi. Thuốc hóa học chỉ phun là sâu chết ngay, còn dùng nấm Ma, khoảng 3 ngày sau mới thấy sâu chết và chết dần, tác dụng của nấm kéo dài vài ba vụ sau đó. “Không thể nói dùng nấm đắt hơn, nhưng nếu giảm giá thành hơn nữa và tuyên truyền tốt về tác dụng chế phẩm, chắc chắn người tiêu dùng sẽ ưa chuộng hơn”. Đây cũng là dự định Thùy Quyên thực hiện khi theo học chương trình cao học tới đây.