Sử dụng khí đốt sinh học ở nông thôn Việt nam

ThienNhien.Net – Năng lượng và rác thải đang trở thành mối lo toàn cầu, không riêng một quốc gia nào. Các nguồn than đá và dầu mỏ sẽ dần cạn kiệt. Dân số càng tăng, rác thải cũng tỉ lệ thuận mà tăng theo. Cùng giải quyết hai vấn đề này một lúc sẽ là một bài toán khó, nhưng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho loài người. Khí sinh học – Biogas – chính là một trong những đáp án cho bài toán đang được giải.
Trong việc sử dụng các loại năng lượng truyền thống ở nhiều vùng nông thôn, miền núi nước ta, củi đốt và than đã và đang góp phần vào việc làm giảm diện tích rừng cũng như gia tăng lượng khí CO2 vào khí quyển.

Bên cạnh đó, các dạng năng lượng khí đốt như xăng, dầu, gas đang ngày càng tăng giá và khó có thể đến được với bà con ở vùng sâu, vùng xa. Biogas (khí đốt sinh học) – nguồn năng lượng tại chỗ và rẻ tiền là một giải pháp tích cực đối với bà con nông dân.

Nhiều năm nay, biogas đang được áp dụng thí điểm tại một vài địa phương trong cả nước và đã cho thấy những ưu điểm của nó trong các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Về thực chất, biogas là dạng khí sinh học, được tái tạo từ quá trình phân huỷ những chất thải của người và động vật trong điều kiện hầm kín. Nhờ hoạt động của các vi sinh vật, các chất thải này sẽ lên men và tạo khí, trong đó chiếm tới 70% là khí mê tan, được sử dụng làm chất đốt và chạy động cơ đốt trong.

Để tạo ra khí sinh học, người ta xây dựng những hầm ủ kín có đường thu khí để dễ dàng mang đi sử dụng. Nguyên liệu để sản xuất khí sinh học là những chất hữu cơ dễ phân huỷ như phân động vật, các loại thực vật như bèo, cỏ, rơm rạ… và là những nguồn nguyên liệu sẵn có ở nông thôn nước ta.

 mô hình biogas

Theo tính toán thì chỉ cần đầu tư khoảng 1 – 1,2 triệu đồng, ta có thể xây được một hầm biogas có dung tích trên 3m3, tuổi thọ trung bình khoảng 10 – 15 năm. Kỹ thuật xây dựng hầm biogas khá đơn giản.

 dụng cụ xây biogas

Những ưu điểm của việc sử dụng khí sinh học

Việc xây dựng hầm ủ khí sinh học và đưa vào sử dụng nó rất đơn giản và rẻ tiền. Các gia đình ở nông thôn có thể tự làm hầm ủ tạo khí biogas dựa trên những bản vẽ thiết kế đơn giản và dễ hiểu. Diện tích xây dựng hầm ủ không lớn, có thể làm chìm dưới đất.

Về hiệu quả kinh tế, mỗi năm sử dụng khí đốt biogas, một gia đình nông thôn ở ta có thể tiết kiệm được từ 1 đến 2 triệu đồng, trong điều kiện đun nấu thoải mái. Mô hình này đặc biệt phù hợp với mô hình chăn nuôi trang trại, mô hình VAC…

Một ưu điểm rất dễ thấy về mặt môi trường, đó là vấn đề rác thải và vệ sinh môi trường được đảm bảo. Hầu hết các loại rác thải nông nghiệp và hộ gia đình đều có thể đưa vào hố ủ vì đa số chúng là chất thải hữu cơ dễ phân huỷ. Sau khi được lấy ra từ bể ủ, chất thải này hầu như không còn các loại vi sinh vật gây bệnh như trước khi đưa vào bể ủ. Các loại chất thải được chú ý thu gom, tạo cảnh quan đẹp của môi trường trong gia đình, thôn xóm; chuồng trại luôn trong tình trạng sạch sẽ…

Tạo đà cho việc phát triển đề án

Có thể nói, Hà Tây là tỉnh có phong trào xây hầm biogas mạnh nhất trên cả nước. Với 175.000 hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh, Hà Tây nay đã có tới 7.300 hầm biogas, góp phần xử lí chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn.

Tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, Trung tâm y tế cộng đồng và phát triển cộng đồng (Cephad) đã hỗ trợ kĩ thuật và kinh phí cho 7 hộ gia đình xây dựng 7 hầm biogas. Thấy được nguồn lợi từ hầm biogas, một số gia đình trong xã có điều kiện kinh tế cũng đã tiến hành xây dựng.
Gần đây, nông dân ở các huyện Củ Chi, Hoóc Môn, Bình Chánh, quận 12, Gò Vấp của TP HCM… cũng rộ lên phong trào làm biogas từ phân chuồng. Đây là hệ quả từ việc thấy rõ những hiệu quả về kinh tế cũng như môi trường của mô hình sử dụng năng lượng mới này. Một số nơi, các gia đình không những dùng biogas làm khí đốt mà còn sử dụng máy demo để chuyển khí biogas thành điện. Đây cũng là một hướng mới trong việc sử dụng loại năng lượng này cho sinh hoạt.

Tiềm năng để phát triển mô hình này rất dồi dào, không chỉ ở những hộ chăn nuôi, mà còn có thể áp dụng với những làng nghề truyền thống như: làm bánh tráng, làm miến, bún… Do nhu cầu cuộc sống, nghề chăn nuôi và làng nghề truyền thống sẽ còn phát triển cao hơn mức hiện nay, kéo theo lượng chất thải cũng sẽ ngày càng lớn.

Chương trình mục tiêu quốc gia

Mô hình sử dụng hầm ủ biogas đã trở thành đề án thực hiện trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015.

Theo kế hoạch, đề án được thực hiện trong 18 tháng (từ đầu quý IV/2006 đến hết quý I/2008) và triển khai tại 6 tỉnh: Hà Tây, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đồng Nai. Sẽ có 600 hộ gia đình ở 6 tỉnh tham gia đề án (mỗi tỉnh 100 hộ).

Các hộ sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng như: sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt; làm hầm ủ biogas; lắp dàn pin mặt trời để sử dụng nước nóng;

Theo đó, vào quý I/2007 sẽ tiến hành lắp mẫu đèn tiết kiệm năng lượng tại các hộ gia đình được lựa chọn để làm mô hình cho người dân tham quan và có cơ sở để kiểm tra, so sánh với các hộ gia đình đang sử dụng các thiết bị tiêu thụ năng lượng khác.

Quý I và II/2007 sẽ tổ chức đăng ký thực hiện tiết kiệm năng lượng cho các hộ gia đình tại các tỉnh (100 hộ/tỉnh). Quý II + III/2007 triển khai lắp đèn compact Rạng Đông và làm hầm biogas, lắp dàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Đối với đèn compact sẽ được hỗ trợ 1/3 giá đèn. Số còn lại (2/3 chi phí) gia đình trả ngay sau khi lắp đèn.

Những gia đình xây hầm biogas được miễn phí về công kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật viên và được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ. Số còn lại trả 2-3 lần sau khi lắp đặt. Những hộ gia đình lắp dàn nước nóng năng lượng mặt trời được hỗ trợ về hướng dẫn sử dụng, trả 30% giá thiết bị, số còn lại trả 2-3 lần sau khi lắp đặt.

Qua những phân tích trên, ta thấy rõ tính đa mục đích và đa dụng của mô hình sử dụng khí sinh học trong các hoạt động sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn Việt Nam nói riêng. Trong khi giá xăng dầu liên tục tăng, không ổn định và nguồn điện cung cấp luôn thiếu so với nhu cầu xã hội thì việc tự chế ra biogas từ phân các loại gia súc không chỉ có lợi về kinh tế mà còn là một giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm sức ép đối với môi trường từ các vấn đề như rác thải, vệ sinh môi trường…